Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Ngành khát người học, việc khan người làm

29/09/2022

Vài năm gần đây, một số ngành khối kỹ thuật như cầu đường, xây dựng, môi trường, thủy lợi… có điểm chuẩn thấp nhưng tuyển không đủ chỉ tiêu.

Trong khi đó, thị trường lao động lại rất thiếu nhân lực ở lĩnh vực này.

Bài toán chọn trường, chọn ngành

Theo công bố điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, những ngành “hot” của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng vẫn nằm ở mức cao. Đối với khối Kỹ thuật - Công nghệ, điểm chuẩn cao nhất là 26,65 điểm vào ngành Công nghệ thông tin (hợp tác doanh nghiệp còn gọi là đặc thù) của Trường ĐH Bách khoa. Những ngành “hot” của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng như Công nghệ thông tin (đặc thù, ngôn ngữ Nhật), Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật ô tô… đều có điểm chuẩn cao hơn 0,5 điểm so với năm 2021.

Thế nhưng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang dự kiến phương án tuyển sinh bổ sung cho 9 ngành có điểm trúng tuyển gần với điểm sàn, gồm Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật tàu thủy, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật công trình thủy, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với các trường đào tạo khối ngành STEM, những năm gần đây đều rơi vào tình trạng khó tuyển sinh. Vì vậy, trong khi điểm chuẩn ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa luôn ở mức cao thì các ngành xây dựng, cầu đường, thủy lợi, môi trường gần như điểm chuẩn cũng đồng thời là điểm sàn hoặc nhỉnh hơn một chút. Thế nhưng, đầu ra của các ngành này luôn đảm bảo, thậm chí nhà trường không có đủ nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng”.

Theo số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển thì chỉ có khoảng 60% thí sinh đăng ký vào các ngành xây dựng, cầu đường, thủy lợi, môi trường của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. “Tuy nhiên, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường sẽ không hạ điểm nữa để đảm bảo chất lượng đào tạo và cũng đã chạm điểm sàn rồi.

Thực ra, nếu quyết tâm tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 thì nhà trường vẫn có thể điều chỉnh chỉ tiêu cho những ngành hot, có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đông. Thế nhưng, vì là trường công lập, phải đảm bảo cân đối trong cung cấp nhân lực cho thị trường lao động. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật càng ngày càng thiếu, nếu nhà trường không duy trì tuyển sinh và đào tạo thì khoảng 5 - 10 năm nữa, sẽ không có lao động, trong khi đây thực sự là những ngành trọng yếu” – PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho hay.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cũng chỉ có khoảng 80% số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành khối kỹ thuật như Cầu đường, Môi trường, Công nghệ hóa học – môi trường. PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường phân tích: “Cũng là ngành xây dựng nhưng xây dựng dân dụng thì tuyển sinh thuận lợi hơn ngành xây dựng cầu đường.

Tâm lý chung là học sinh và ngày cả phụ huynh đều có nguyện vọng cho con theo học những ngành nghề thời thượng trong xã hội. Các nghề nghiệp có tính chất nặng nhọc hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại các thành phố lớn như địa chất, môi trường, cầu đường… ít học sinh lựa chọn hơn dù đầu ra sau tốt nghiệp rất thuận lợi”.

Điều chỉnh cách thức tư vấn hướng nghiệp

Nguyên nhân của tình trạng lệch pha trong “cung” – “cầu” nguồn nhân lực, theo phân tích của một số chuyên gia, do thí sinh và phụ huynh không được cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh, phụ huynh và các trường phổ thông phải được tiếp cận với những thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương trong trung hạn.

Sở Lao động – Thương binh & Xã hội các địa phương phải thống kê được nguồn nhân lực cũng như dự báo. Hiện nay, công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông còn thiếu thông tin, chủ yếu do giáo viên tự tìm kiếm nên chưa chuẩn xác về tương lai công việc của một số ngành học.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho rằng, ngoài những nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học như đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để cam kết về đầu ra sau khi SV tốt nghiệp thì cần có những chính sách đặc thù của Nhà nước với những ngành khó tuyển sinh. “Thực ra, chính sách miễn giảm học phí đối với những ngành học này không phải là mấu chốt và cũng không quyết định nhiều đến lựa chọn của người học. Chính sách tiền lương, đãi ngộ cho người lao động mới là tạo sức hút để người học lựa chọn, gắn bó lâu dài với ngành nghề” – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khẳng định.

Cũng đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phan Cao Thọ cho rằng, có thể xây dựng chính sách thu hút đối với các ngành nghề khó tuyển như học bổng đặc thù, cam kết việc làm đối với người học. Ngoài ra, Chính phủ có thể xây dựng chính sách khác như chế độ tiền lương theo vùng miền.

Về công tác tư vấn hướng nghiệp, PGS.TS Phan Cao Thọ nhìn nhận, hầu hết cơ sở giáo dục đại học và trường phổ thông đều có chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Thế nhưng, kiểu tư vấn “chớp nhoáng” như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra trước thời điểm học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ có thể cung cấp những thông tin không đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động cũng như bức tranh phong phú của các ngành nghề. Để tư vấn chuyên sâu đòi hỏi đầu tư về thời gian, thậm chí là suốt quá trình học phổ thông chứ không chỉ dừng lại ở năm lớp 12. Việc này, hy vọng có thay đổi khi dạy học theo chương trình mới.

Hà Nguyên
https://giaoducthoidai.vn/nganh-khat-nguoi-hoc-viec-khan-nguoi-lam-post609311.html

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]