Nghề điều dưỡng: Người học phải có sự yêu thích chăm sóc người khác
15/09/2021
Tại các cơ sở y tế, nhiều người nghĩ điều dưỡng chỉ là "vai phụ" của bác sĩ. Thực tế, đây là lực lượng rất quan trọng, cần những người có tố chất đặc thù nên cũng khá kén chọn người học.
Điều dưỡng là "bộ mặt" của bệnh viện
Học bác sĩ phải mất 6 năm mới ra trường, còn điều dưỡng chỉ cần 10 tháng đến 2 năm học Trung cấp (tùy trình độ đầu vào) là có thể đi làm. Chính vì vậy, nhiều người nghĩ điều dưỡng chỉ là "vai phụ" của bác sĩ tại các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Diễm, Trưởng khoa Y dược trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, chính điều dưỡng mới là lực lượng thể hiện chất lượng chăm sóc, điều trị của bệnh viện một cách rõ ràng nhất.
Bởi người thực hiện hầu hết các y lệnh điều trị của bác sĩ là điều dưỡng. Việc điều trị có hiệu quả tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều dưỡng.
Tại các cơ sở y tế, điều dưỡng có thể phụ trách tiếp đón người bệnh, làm các thủ tục hành chính, hướng dẫn người bệnh và thân nhân người bệnh thực hiện nội quy…
Nhưng nhiệm vụ chính của họ vẫn là thực hiện các y lệnh của bác sĩ, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, chất thải, tình trạng ăn uống, trạng thái tâm sinh lý của người bệnh, báo cáo những diễn biến bất thường cho bác sĩ để kịp thời có biện pháp điều trị thích hợp…
Những điều dưỡng kinh nghiệm được giao nhiệm vụ nhận định tình trạng người bệnh để lập kế hoạch chăm sóc; thực hiện các kỹ thuật chăm sóc người bệnh, các thủ thuật chẩn đoán, điều trị, sơ cứu và cấp cứu ban đầu.
Họ còn là người giúp người bệnh vận động, luyện tập, phục hồi chức năng; Động viên người bệnh an tâm điều trị; Hướng dẫn người bệnh và thân nhân người bệnh cách tự chăm sóc sau khi khám và điều trị…
Thạc sĩ Lê Thị Chiến, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện đa khoa Bình Phước, cho biết: "Đôi khi, điều dưỡng chính là bộ mặt của bệnh viện vì họ là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất. Bệnh nhân đánh giá bệnh viện tốt hay không phần lớn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc của điều dưỡng".
Cần tố chất đặc thù
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Diễm, nghề điều dưỡng rất cực nhọc và chỉ phù hợp với những người có nhiều tố chất đặc thù, yêu thích công việc chăm sóc con người.
Cô Diễm chia sẻ: "Đầu tiên, họ phải là người trung thực. Đây là tố chất đặc biệt cần thiết của ngành y. Khi bàn giao ca giữa người này với người khác, họ phải có báo cáo giao ca tuyệt đối trung thực để người tiếp nhận nắm tình hình bệnh nhân chính xác. Không thể vì bất cứ lý do gì mà giấu biểu hiện bệnh tình của người bệnh. Có vậy công tác chữa trị mới tốt".
Thứ hai, điều dưỡng phải là người có tinh thần trách nhiệm cực cao. Vì chỉ đôi khi lơ là, thiếu trách nhiệm trong lúc theo dõi bệnh tình của bệnh nhân cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Sự đồng cảm cũng là một tố chất quan trọng được Thạc sĩ Nguyễn Thanh Diễm nhấn mạnh. Theo cô, chỉ có sự đồng cảm, thấu hiểu được nỗi đau của người bệnh thì người điều dưỡng mới có thể chăm sóc ân cần, quan tâm sâu sắc đến sức khỏe bệnh nhân để điều trị tốt hơn.
Tác phong tự tin và khẩn trương là phong cách phải có của người điều dưỡng. Vì chính họ mới là người theo dõi sát nhất bệnh tình của người bệnh. Đôi lúc sự thiếu tự tin trong can thiệp chăm sóc, không kịp thời thực hiện sơ cấp cứu ban đầu có thể ảnh hưởng ngay đến tính mạng người bệnh.
Cuối cùng, cô Diễm nhắc đến lòng yêu nghề: "Nếu không có lòng yêu nghề, yêu thích công việc chăm sóc người khác thì khó mà làm tốt nghề này vì nó đòi hỏi người làm nghề phải chịu khó, cẩn thận, chỉn chu…".
Điều dưỡng trưởng Bệnh viện đa khoa Bình Phước đồng tình: "Nhiệm vụ điều dưỡng trong bệnh viện rất quan trọng, trách nhiệm cao và vất vả, đôi khi lại có thu nhập không bằng các vị trí khác. Do đó, nghề này cần những người có tố chất phù hợp, đam mê và yêu nghề".
Tùng Nguyên
dantri.com.vn – 14/09/2021