Nhiều ngành “hiếm” người học, các trường tìm cách cứu gỡ
30/10/2020
Điều đáng chú ý của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay đó là có nhiều ngành học truyền thống, ngành tiêu biểu của trường thế nhưng vẫn không tuyển được thí sinh. Có ngành thậm chí của một trường chỉ tuyển được 1-2 chỉ tiêu. Có trường cùng một lúc nhiều ngành phải tuyển bổ sung nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu.
Việc hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh THPT chưa “trúng đích” được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Vì sao khan hiếm thí sinh
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang cho biết, trước đây, nhà trường vốn là nơi đào tạo duy nhất của cả nước về năm ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng trong đó có 3/5 ngành rất khó tuyển, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản mỗi năm chỉ tuyển được rất ít sinh viên. Ngành khai thác tuyển được 10-15 sinh viên/năm, ngành chế biến được 30-40 sinh viên, cao nhất là ngành nuôi trồng được khoảng 100 sinh viên. Dù vậy nhà trường vẫn phải duy trì đào tạo vì cả bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất vẫn phải duy trì hoạt động.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng có một số ngành khó tuyển như Thiết kế thời trang (chất lượng cao), chỉ có một thí sinh trúng tuyển. Hay ngành môi trường, vật liệu, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… nhiều năm nay đã trong tình trạng khan hiếm người học.
Vừa qua, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh phải xét tuyển bổ sung năm ngành học tại TP Hồ Chí Minh, gồm: khoa học môi trường, công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng. Những ngành học trên hiện đều được xếp vào ngành “kén” người học trong vài năm nay. Tuyển sinh năm nay điểm chuẩn hầu hết các ngành đều cao, nhưng dù những ngành trên chỉ 16 điểm, thấp nhất tại cơ sở chính nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã quyết định ngừng tuyển sinh 2 ngành Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Hay như áp dụng việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường ĐH Đà Lạt trong ngành Sư phạm tin học lấy điểm chuẩn 24, điểm cao nhất trường nhưng bất ngờ là không có thí sinh nào trúng tuyển. Nguyên nhân do lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít nên nhà trường quyết định lấy điểm sàn là 24, là thật cao để các em có hướng điều chỉnh sang ngành khác. Hai ngành là Sư phạm sinh học và Sư phạm vật lý của trường này, điểm chuẩn lần lượt là 22 và 21 điểm. Trong đó, mỗi ngành chỉ có hai thí sinh trúng tuyển và thậm chí dù có thí sinh trúng tuyển nhưng cũng không có ai đến nhập học.
Nhiều sai lầm trong việc lựa chọn nghề nghiệp
Theo TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, khâu điều tiết đầu vào hiện nay phụ thuộc vào người học, mà người học thì thực tế, muốn chọn “việc nhẹ lương cao”. Có thí sinh chỉ nghe tên ngành học như lâm nghiệp đã tưởng tượng ngay là phải đi làm và sống trong rừng, hay học ngành liên quan tới thủy sản thì sẽ phải lội ao nuôi trồng thủy sản...
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện công tác hướng nghiệp tại nhiều trường phổ thông còn thiếu thông tin, chưa chuẩn xác về tương lai công việc ở ngành học. Trong khi đó việc giới thiệu về ngành học tại các trường ĐH, CĐ lại quá ít, thiếu thông tin nên dẫn tới thực trạng quan niệm sai lầm của thí sinh về công việc thực tế sau khi ra trường với một số ngành học là những nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều ngành học thời gian gần đây không tìm ra người học. Trong đó, có một số nguyên nhân chính dẫn tới việc chọn nghề của các bạn học sinh hiện nay sai lầm, đặc biệt là mang nặng tính thực dụng như: nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… Ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng của bản thân.
Trong đó, có thể liệt kê một số sai lầm thường gặp trong việc lựa chọn ngành học của học sinh hiện nay. Phổ biến nhất là chọn nghề vì những lý do kinh tế, đặt nặng giá trị kinh tế. Nhiều học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác với suy nghĩ ngành học này ra trường dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn.
Tâm lý chọn nghề theo sự thành công của người thân cũng là một trong những sai lầm thường gặp nhất ở những học sinh đang sống trong gia đình có cha mẹ, người thân thành đạt trong xã hội. Cha mẹ và ngay cả bản thân các em cũng mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng các bạn không biết rằng mỗi người có một năng lực, sở trường, tính cách riêng vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc sẽ giúp cho người khác thành công. Còn có một dạng nữa là chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” sẽ là nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này.
Nhiều bạn học lớp 12 rồi nhưng cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi. Hay nhiều em lại cho rằng, việc học tập mới là quan trọng, mới có nhiều cơ hội để thi vào các trường ĐH mà không hiểu rằng khả năng học tập chỉ là điều kiện ban đầu, còn sau này khi ra trường có phát huy được những kiến thức đã học hay không lại cần có sự phù hợp giữa yêu cầu nghề nghiệp và năng lực, phẩm chất, sở thích của các em.
Huyền Nga
cand.com.vn – 29/10/2020