Phấn khởi với chính sách miễn, giảm học phí
01/09/2013
Từ ngày 1-9, Nghị định 74 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chính thức có hiệu lực. Với nghị định này, hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước bước vào năm học mới với tâm trạng phấn khởi khi được hưởng chính sách miễn giảm học phí của nhà nước.
Miễn giảm trực tiếp tại trường
Theo Nghị định 74, kể từ năm học 2013 - 2014 sẽ có thêm 3 đối tượng được miễn học phí gồm: sinh viên học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đối tượng trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ không còn được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại nghị định này nữa. Mặt khác, chính sách miễn giảm học phí đối với người dân tộc thiểu số và học viên, sinh viên các ngành xiếc, múa cũng được áp dụng.
Những đối tượng được miễn giảm không cần về lại địa phương để nhận tiền học phí mà theo quy định mới, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục. Do đó, đối tượng được miễn giảm học phí ở bậc đại học sẽ được miễn giảm trực tiếp tại trường, thay vì phải nộp học phí rồi về địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ này như trước đây. Quy định mới này thật sự tạo phấn khởi, đồng thời xóa được những phiền toái. Bởi lẽ, thực tế hiện nay quy trình nhận lại học phí từ Sở LĐTB-XH các địa phương vẫn còn rườm rà, thậm chí chậm trễ và gây không ít khó khăn cho nhiều đối tượng chính sách.
Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục đại học, Nghị định 74 quy định cấp bù trực tiếp cho các trường sẽ giải quyết được các trường hợp chậm giải ngân (học phí kỳ này đôi khi phải tới 2, 3 kỳ sau mới được nhận lại) gây thiệt thòi cho các đối tượng chính sách.
Sinh viên trường ngoài công lập phấn khởi
Một điểm mới nữa là Nghị định 74 đã thật sự tạo sự công bằng như Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã quy định “sinh viên trường ngoài công lập cũng được hưởng chính sách ưu tiên như sinh viên trường công lập”. Trước đây, sinh viên theo học trường ngoài công lập không được tiếp cận với những chính sách này cũng như việc vay vốn học tập.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 49 được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 74 như sau: “Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo số lượng người học thực tế và mức thu học phí (mức cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo các nhóm ngành nghề được quy định tại Nghị định số 49 của Chính phủ). Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí quy định tại Nghị định 49 tương ứng với các nhóm ngành, nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học)”.
TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, phấn khởi: “Trước đây trường cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên miễn giảm cho sinh viên theo học tại trường. Tuy nhiên, nay Nghị định 74 quy định cụ thể và rõ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trường cũng như cho sinh viên”. Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Thông tin - Tuyển sinh của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường vẫn tạm thu học phí đối với những sinh viên thuộc diện chính sách. Khi có thông tin hướng dẫn cụ thể, trường sẽ hoàn lại học phí cho sinh viên. Đây là thông tin khiến nhiều trường ngoài công lập cũng như sinh viên đang theo học các trường ngoài công lập rất phấn khởi”.
Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT): “Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ LĐTB-XH nhanh chóng đưa ra thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 74. Trong đó, thông tư sẽ hướng dẫn trên tinh thần đơn giản, giảm các thủ tục rườm rà để sinh viên nhanh chóng được hưởng chính sách miễn giảm của Chính phủ. Chúng tôi dự kiến có khoảng 15% - 20% sinh viên ngoài công lập sẽ được hưởng chính sách miễn giảm học phí từ Nghị định 74”.
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn