Xét tuyển vào ĐH-CĐ: Dễ đầu vào, lãng phí đầu ra
24/07/2013
Năm 2013, Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung học sinh 20 huyện được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) cùng với học sinh thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt Nghị quyết 30a) được ưu tiên tuyển thẳng, khiến lượng hồ sơ tuyển thẳng vào nhiều trường tăng mạnh. Vấn đề này khiến nhiều trường băn khoăn về công tác đào tạo cũng như lo ngại về chuyện lãng phí: Nếu như đầu ra của sinh viên không được giải quyết suôn sẻ thì nguy cơ lãng phí rất lớn. Do đó cần phải có quy hoạch ngay từ khâu xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Hồ sơ tăng mạnh
Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, các trường ĐH-CĐ trên cả nước đã xét tuyển được 2.638 thí sinh có hộ khẩu thường trú, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo vào học ĐH (2.435 thí sinh) và CĐ (203 thí sinh).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng thí sinh nộp hồ sơ tuyển thẳng vào các trường tăng đột biến. Tại Trường ĐH Cần Thơ, hội đồng tuyển sinh của trường đã nhận được hơn 2.600 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng của thí sinh thuộc diện quy định tại khu vực Tây Nam bộ. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, trong năm 2012 trường không triển khai quy định này.
Tương tự, Trường ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk) tính đến nay đã nhận hơn 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng của thí sinh dân tộc, thí sinh nghèo thuộc diện ưu tiên. Lượng hồ sơ này đã khiến hội đồng tuyển sinh của trường không biết tính phương án đào tạo và phân bổ chỉ tiêu như thế nào. Trường ĐH Thái Nguyên cũng dự kiến trong năm 2013 lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng của thí sinh thuộc diện ưu tiên sẽ tăng mạnh so với năm 2012 (có 3.000 hồ sơ đăng ký). Các Trường ĐH Vinh, ĐH Huế… cũng dự kiến lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng cũng từ vài trăm đến cả ngàn.
Trong khi đó, tại TPHCM, nhiều trường cũng đã nhận được từ vài chục đến vài trăm hồ sơ của thí sinh. Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, trường không đặt ra quy định riêng, miễn thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ thì trường sẽ nhận. Hiện nay trường đã nhận 57 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng của thí sinh. Nếu thí sinh đến nhập học, trường sẽ gửi các em qua Trường Dự bị Đại học TPHCM để đào tạo bồi dưỡng kiến thức 1 năm. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, năm ngoái chỉ có 10 thí sinh thuộc diện này đăng ký và nhập học thì năm nay lượng hồ sơ lên đến 200.
Coi chừng lãng phí
Có thể nói, việc Bộ GD-ĐT hiện thực hóa chính sách này trong tuyển sinh là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực cho địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đây là chủ trương được xã hội cũng như những người làm công tác đào tạo đồng thuận. Tuy nhiên, điều các cơ sở đào tạo băn khoăn là vấn đề quy hoạch nhu cầu ngành nghề phát triển cho địa phương, sinh viên diện ưu tiên này ra trường sẽ về địa phương phục vụ hay để “tự bơi” rồi dẫn đến hao tốn tiền của nhưng mục tiêu vẫn không đạt được.
Th.S Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng: “Chủ trương chung của Bộ GD-ĐT thì chúng tôi ủng hộ và thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần tính đến là đối với ngành sư phạm phải có sự phân chia ra từng khu vực như Tây Nguyên, Tây Nam bộ, khu vực miền Trung… chứ không để thí sinh dồn vào quá đông như thế. Một huyện mà có tới 80 hồ sơ vào ngành sư phạm thì khi ra trường sẽ giải quyết thế nào?”.
Nhìn một cách thấu đáo hơn, Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing, phân tích: “Thứ nhất, việc tuyển chọn nên để các trường xét duyệt cân đối dựa theo ngành nghề, trình độ của thí sinh. Thứ hai, địa phương phải làm tốt khâu khảo sát, ngành nghề nào đang cần nhân lực cho địa phương phát triển thì khuyến khích các em theo học ngành đó. Thứ ba, khi xét duyệt cho các em đi học phải có điều kiện ràng buộc: tốt nghiệp ra trường phải về địa phương làm việc”.
Là trường khu vực Tây Nguyên, PGS-TS Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho rằng: “Lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều khiến chúng tôi lúng túng và chưa có phương án để đào tạo. Có thể chúng tôi sẽ xem xét dựa trên nhu cầu để phân bổ chỉ tiêu bao nhiêu cho hợp lý. Lẽ ra các địa phương nên sàng lọc trước để công tác đào tạo được thuận lợi và cũng tránh được việc lãng phí sau khi sinh viên ra trường vì những em diện này học hoàn toàn miễn phí”.
Tạo điều kiện cho các em học tập
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc áp dụng tuyển thẳng với học sinh huyện nghèo, ở vùng kinh tế khó khăn, điều kiện vô cùng thiếu thốn, nhằm tạo điều kiện cho các em đi học để mai mốt ra trường có việc làm ổn định. Do đó, những thí sinh này không thuộc diện cử tuyển nên các địa phương không cần phải lo đầu ra cho các em. Những thí sinh trúng tuyển theo các tiêu chí của từng trường thì các em phải học bổ sung kiến thức một năm (chương trình dự bị ĐH). Sau năm học này, nhà trường tiếp tục đánh giá, rà soát, chỉ em nào đủ khả năng theo học mới được lựa chọn đào tạo ĐH. Nếu không, nhà trường sẽ trao đổi và hướng các em xuống đào tạo trình độ CĐ hoặc trung cấp.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đây là chủ trương chung nên các trường cần tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh có cơ hội học tập. Trừ những trường, những ngành quá đặc thù (nhóm ngành dược, khoa học cơ bản), cần thí sinh có trình độ giỏi mới có những điều kiện riêng. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, cuối tháng 8-2013, các trường sẽ thông báo chính thức về kết quả xét tuyển thẳng đối với thí sinh.
|
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn