Cơ hội nào cho hơn 600.000 thí sinh trượt đại học, cao đẳng?
19/08/2013
Hàng trăm ngàn thí sinh đi thi “nhầm chỗ” còn khiến cho thi cử trở nên nặng nề, căng thẳng, gây tốn kém cho xã hội hàng trăm tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra là, cánh cửa đại học đã khép lại rồi thì số thí sinh này sẽ làm gì? Cánh cửa nào sẽ mở rộng để đón các em?
Hơn 600.000 thí sinh trượt đại học, cao đẳng mùa tuyển sinh năm nay là một lời cảnh báo sâu sắc cho công tác phân luồng giáo dục của chúng ta. Vô vàn hệ lụy phát sinh khi trong số đó, hàng chục ngàn thí sinh không đủ năng lực, học kém nhưng vẫn đi thi đại học, vẫn xác định đại học phải là cứu cánh, là con đường lập nghiệp duy nhất.
Hàng trăm ngàn thí sinh đi thi “nhầm chỗ” còn khiến cho thi cử trở nên nặng nề, căng thẳng, gây tốn kém cho xã hội hàng trăm tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra là, cánh cửa đại học đã khép lại rồi thì số thí sinh này sẽ làm gì? Cánh cửa nào sẽ mở rộng để đón các em? Khi đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất thì phân luồng giáo dục phổ thông sẽ ra sao? Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bày tỏ:
Trượt đại học không có nghĩa là cơ hội đã hết. Các em hoàn toàn có thể lựa chọn vào các trường cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Riêng CĐN, TCN, năm nay dự kiến tuyển sinh khoảng 400 ngàn chỉ tiêu, trong đó CĐN có thể tuyển tới 200 ngàn chỉ tiêu. Năng lực đào tạo của hệ thống trường nghề có thể sẵn sàng đón nhận 400 ngàn thí sinh. Bên cạnh đó, hệ giáo dục TCCN cũng có thể tiếp nhận vài trăm ngàn thí sinh nữa. Các em sẽ không phải thi, tốt nghiệp THPT thì có thể vào học nghề, kể cả tốt nghiệp THCS cũng có thể học ngay TCN. Hiện nay tôi biết các trường nghề đều rất cần thí sinh và đang có nhiều chương trình đào tạo hấp dẫn để sản phẩm ra trường đều được doanh nghiệp (DN) đón nhận, trong đó sẽ chú ý nâng cao tay nghề, kỹ năng thực hành cho người học theo nhu cầu của DN.
PV: Thưa ông, hiện nay hệ thống trường nghề rất đa dạng với 158 trường CĐN, 305 trường TCN và 290 trường TCCN, số ngành nghề đào tạo có thể lên đến hàng ngàn. Nhưng ngành nghề nào đang khát nhân lực và có nhiều cơ hội việc làm cho người học tốt nghiệp?
Ông Dương Đức Lân: Có hai nhóm ngành hiện đang rất đắt hàng, đó là nhóm nghề kỹ thuật-công nghệ và nhóm nghề du lịch, khách sạn. Dù chưa có nghiên cứu toàn diện nhưng cứ nhìn vào các khóa tốt nghiệp thì thấy các nghề kỹ thuật, công nghệ giải quyết việc làm rất tốt. Học viên ra trường có việc làm ngay. Tôi từng chứng kiến, có khóa học ngay tại lễ tốt nghiệp thì đã có khoảng 40, 50 DN trực tiếp tuyển, tranh nhau để giành lao động. Khóa đầu tiên tốt nghiệp CĐN năm 2010 với khoảng 23 ngàn học viên, bây giờ thì nâng lên khoảng 100 ngàn. Trường CĐN Cơ điện Hà Nội có những em được trả lương 15 triệu/tháng. Còn bình quân thì lương mới ra trường đạt 3,5 triệu đồng/tháng. Nghề hàn, nhất là hàn 6G thì cực kỳ đắt hàng. Hiện có 3 trường là CĐN LILAMA 2 ở Đồng Nai và LILAMA 1 ở Ninh Bình và CĐN Vũng Tàu đã được Hội Hàn quốc tế công nhận. Em nào thi được 6G là lên mạng cả thế giới biết. Một số nghề được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế như nghề thủy thủ, thuyền trưởng ở CĐN Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Một số nghề của Trường CĐN Du lịch Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt đã ký kết công nhận trong ASEAN.
PV: Nhưng lâu nay, dường như thông tin về dạy nghề còn chưa phổ biến, nếu chúng ta trang bị đầy đủ thông tin về học nghề, về nhu cầu của DN thì chắc chắn sẽ thu hút học sinh nhiều hơn, tránh được tình trạng nhiều em ở vùng sâu, vùng xa bị lừa đảo vì thiếu thông tin…
Ông Dương Đức Lân: Đúng, đấy cũng là thiếu sót lớn. Ngoài các trường TCN, CĐN còn có 870 trung tâm dạy nghề ở khắp cả nước, ở huyện nào cũng có. Chính vì thế năm nay, Tổng cục Dạy nghề đã đổi mới cho xuất bản cuốn Thông tin tuyển sinh các trường TCN, CĐN năm 2013 và đưa lên website của Tổng cục từ tháng 3 để phụ huynh và học sinh biết được tất cả thông tin về ngành nghề đào tạo, địa điểm trường, chỉ tiêu tuyển sinh… Ở các nước, 1 người tốt nghiệp ĐH thì cần 12 người học nghề ra, người vận hành. Ở Việt Nam đang thiếu quá. Nhiều em học ĐH ra lại đi làm công việc của người không cần học, chỉ lao động phổ thông là làm được. Tất nhiên đúng là người học giỏi thì phải vào ĐH chứ, có tương lai thật khi có công việc phù hợp. Còn lại lựa chọn nghề là con đường khả thi nhất là đối với thí sinh có hoàn cảnh và sức học bình thường.
PV: Vậy để theo học nghề, học sinh cần phải có điều kiện gì?
Ông Dương Đức Lân: Các trường nghề tuyển sinh quanh năm. Học sinh không phải thi, chỉ xét tuyển. Riêng TCN thì tuyển cả THCS, THPT. Tinh thần là dễ dàng, cởi mở, sẵn sàng đón người học bất cứ lúc nào. Tuy nhiên các trường thường tuyển được nhiều nhất là vào tháng 11, 12 khi các em biết chắc chắn trượt ĐH.
PV: Hơn 600.000 thí sinh trượt đại học, cho thấy việc phân luồng học sinh ở các cấp học còn chưa hiệu quả. Để để đạt được cơ cấu nhân lực hợp lý, theo ông cần có giải pháp mạnh nào?
Ông Dương Đức Lân: Cơ cấu nhân lực hợp lý thường là cứ 1 người tốt nghiệp ĐH cần 15 người học nghề. Quyết định quy hoạch nhân lực Việt Nam 2011-2020, có hướng đến 70% lao động qua đào tạo, trong đó 50% qua đào tạo nghề; đến 2020 30% tốt nghiệp THCS đi vào học nghề. Theo kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Indonesia trong khối ASEAN thì để phân luồng được cần có sự can thiệp của nhà nước.
PV: Câu chuyện vẫn thường thấy là các DN vẫn chưa thực sự hài lòng với sản phẩm của các trường nghề, họ vẫn phải đào tạo lại. Việc này phía Tổng cục có điều chỉnh gì trong thời gian tới để đào tạo theo được nhu cầu của thị trường lao động, tránh lãng phí?
Ông Dương Đức Lân: Có một điều đáng buồn là ở nước ta, đào tạo theo “cung”, tức là có gì dạy nấy, chưa đào tạo theo cầu, nên thiếu cả thầy, cả thợ giỏi. Nhưng hiện nay, chúng ta đang nỗ lực thu hẹp dần khoảng trống giữa đào tạo và nhu cầu của DN, thực hiện đào tạo theo đặt hàng của DN. Vừa rồi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH vừa ký kết với các DN Nhật Bản, phía các DN đã thống kê từng nhóm nghề, những kiến thức kỹ năng, để các trường nghề cung cấp cho họ. Rồi các DN cùng tham gia vào xây dựng chương trình khung là những kiến thức kỹ năng cốt lõi cần có đại diện cho một nghề nhất định…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ này
TS.Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD & ĐT: Hệ thống đào tạo TCCN cũng là “địa chỉ đỏ” cho các em chọn lựa
Hiện tại có quy mô trên 550.000 học sinh, đào tạo và cung cấp nhân lực có trình độ trung cấp trong hầu hết các ngành kinh tế của đất nước.Học sinh học TCCN sẽ được học 2 năm nếu đã tốt nghiệp THPT, 3 năm cho học sinh tốt nghiệp THCS. Chương trình đào tạo tập trung đào tạo theo năng lực với kiến thức và kỹ năng cơ bản để học lên cao và có thể làm việc hiệu quả trong thị trường lao động. Nhiều học sinh tốt nghiệp TCCN giữ các vị trí quan trọng trong nhiều doanh nghiệp, cơ quan. Trước đây, chương trình giáo dục TCCN theo mô hình của Liên Xô cũ, để ra làm kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ. Nhưng nay, do thị trường lao động thay đổi, học sinh TCCN tốt nghiệp có thể làm trực tiếp trong nhà máy hoặc làm kỹ thuật viên, phụ trách một nhóm người lao động. Các ngành đào tạo trong các trường TCCN gồm hàng trăm ngành đào tạo, tuyển sinh chủ yếu theo hình thức xét tuyển (trừ các ngành thuộc khối nghệ thuật biểu diễn, năng khiếu), các em cứ đến nộp đơn xét tuyển là được đón nhận. Những ngành mà thị trường lao động đang có nhu cầu cao là Quản lý bán hàng siêu thị, Quản lý kho, Cơ khí, Điện - Điện tử, Sư phạm mầm non, Du lịch, Dược, Bảo vệ thực vật, Chế biến, IT media, công nghệ môi trường. Hệ thống đào tạo TCCN theo tôi cũng là “địa chỉ đỏ” cho các em chọn lựa. Để chọn một trường TCCN các bạn cần kiểm tra thông tin công khai trên website của nhà trường, đồng thời kiểm tra xem trường đó có sai phạm gì không.
Ông Lê Xuân Luyện, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (Oleco): Cha mẹ phải định hướng đúng sở trường, sở thích của con
Không phải thi rớt đại học là cánh cửa vào tương lai khép lại. Đúng là con đường học đại học để sau này có được công việc phù hợp thì quá tốt nhưng còn rất nhiều lựa chọn, có những trường dưới trường đại học, trường nghề là hướng mở phù hợp. Học kỹ năng để trở thành người trực tiếp sản xuất không có gì là kém cạnh cả. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ phải gần gũi, nắm được thiên hướng của con mình để hướng con lựa chọn lĩnh vực phù hợp, đúng với sở trường, sở thích. Tôi biết, có nhiều em cố tình nhồi nhét học nhưng không đúng sở trường, sau này loanh quanh các em lại quay lại tìm đến công việc, lĩnh vực mà các em thích. Như vậy con đường đi sẽ mất nhiều thời gian. Lựa chọn tối ưu nhất là nếu gia đình không có điều kiện, sức học trung bình thì các em nên đi học nghề, đi làm việc ở nước ngoài… để sớm có thu nhập, sớm định hình được con đường đi của mình.
|
Thu Phương - Thu Uyên (thực hiện)
Nguồn: cand.com.vn