Nhà nước không thể can thiệp!
10/05/2012
Ông Nguyễn Văn Áng - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên về chỉ tiêu đào tạo ở các trường ĐH-CĐ.
Hiện nay việc giao chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ không theo quy hoạch nguồn nhân lực của Chính phủ dẫn đến tình trạng những ngành học được ưu tiên không có người học trong khi ngành có nguy cơ bão hòa thì có nhiều chỉ tiêu. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Đây là việc Bộ đang thảo luận để có hướng giải quyết. Ngay cả quy hoạch nhân lực của Chính phủ cũng chẳng thể bắt buộc các trường phải phục vụ cái đó được. Đó là quyền tự chủ của các trường. Nhà nước không thể bắt các trường phải đào tạo cái này, cái kia. Với thí sinh cũng vậy, không thể bắt họ vào học ngành này, ngành kia được.
Nhưng thưa ông, là cơ quan giao chỉ tiêu đào tạo, Bộ cũng phải có định hướng cho các trường?
Việc định hướng chỉ bằng cách công bố thông tin để cảnh báo cho cơ sở đào tạo và người học chứ rõ ràng nhà nước không thể can thiệp được. Dù nhiều ngành có đầu tư lớn nhưng cũng không có người học. Ví dụ các khoa kinh tế nông nghiệp, kể cả hạ điểm chuẩn cũng không có người vào. Điều quan trọng còn là khâu sử dụng nữa, không chỉ có khâu đào tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng ngành nào có nhiều chỉ tiêu đào tạo thì sẽ có nhiều thí sinh đăng ký?
Bộ không cấp chỉ tiêu cho từng ngành. Thông tư 57 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh chỉ quy định về các điều kiện đảm bảo chất lượng như số lượng SV/giáo viên, diện tích đất đai… Chỉ tiêu hiện nay được quy định chủ yếu để đảm bảo chất lượng chứ không giao được theo cơ cấu ngành nghề.
Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH - CĐ giai đoạn 2006 - 2020 của Chính phủ thì đến năm 2020 chỉ cần 20% SV học ngành kinh tế nhưng đến thời điểm này đã là 38%.
Con số 20 và 38 là gần gấp đôi nhưng trên thực tế 38% SV học ngành kinh tế mà vẫn tìm được việc thì con số 20% là có vấn đề. Nếu con số 20% là đúng thì việc đào tạo 38% SV như vậy sẽ phải thừa đầy ngoài xã hội. Vì vậy cũng cần xem lại con số này. Vừa rồi, Bộ đưa ra con số 32% chỉ tiêu đào tạo đối với khối ngành kinh tế là đã giảm so với việc đào tạo trên thực tế rồi.
Vũ Thơ (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.com.vn