Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Hệ tại chức khó học theo tín chỉ

Nhiều trường ĐH đã coi việc đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là một giải pháp đột phá bởi có nhiều ưu thế. Độ mềm dẻo và linh hoạt của chương trình giúp người học chọn được những môn học phù hợp khả năng đồng thời có thể rút ngắn thời gian học.

 

Tuy nhiên, với hệ tại chức thì khác, vì việc đào tạo theo tín chỉ ở hệ này phức tạp hơn hẳn so với hệ chính quy. Ông Ngô Văn Thứ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho biết sinh viên tại chức vừa học tập trung ở trường vừa học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở liên kết... nhưng sự liên kết giữa các cơ sở này hầu như không có. Vì vậy, họ không có nhiều sự lựa chọn. Đối tượng của đào tạo tại chức cũng rất đa dạng, sinh viên là học sinh trượt ĐH chính quy không phải ít nên chất lượng đầu vào hạn chế, khó có khả năng tự học, tự nghiên cứu (vốn là điều hết sức quan trọng của đào tạo tín chỉ).


Quy mô đào tạo cũng là trở ngại cho đào tạo tín chỉ. Do sức ép từ cơ chế tự chủ kinh phí thường xuyên và bị khống chế bởi mức học phí nên các trường vẫn phải đào tạo theo phương châm “quảng canh”, tăng chỉ tiêu và mở rộng liên kết. Việc duy trì quy mô đào tạo quá lớn là lực cản cho việc áp dụng phương thức tín chỉ. Bởi theo học chế tín chỉ, mỗi giảng viên trong một năm học chỉ giảng dạy tối đa một học phần là 4 lớp. Như vậy, nếu chuyển sang đào tạo theo tín chỉ trên diện rộng, tình trạng thiếu giảng viên sẽ càng trầm trọng. Ngoài ra, nhìn chung, khả năng tự học của học viên tại chức còn hạn chế do năng lực tư duy và quỹ  thời gian không nhiều.


Những kết quả sau khi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thí điểm đào tạo tín chỉ đối với khóa 17, văn bằng II học tại trường vừa qua đã minh chứng cho những bất cập của việc đào tạo theo tín chỉ: Sau thời gian học với 4 đợt xét tốt nghiệp, chỉ có 385/1.796 sinh viên tốt nghiệp, chiếm 20%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự mềm dẻo vốn được coi là ưu điểm của học chế tín chỉ rất khó trở thành hiện thực ở các lớp tại chức, bởi sự phân tán làm giảm hiệu quả tổ chức học tập. Ngay cả việc tìm kiếm lớp học lại của các học viên học theo tín chỉ cũng khó khăn hơn khi đào tạo theo niên chế, vì theo niên chế thì họ hoàn toàn có thể biết trước được môn học đó sẽ có lớp ở đâu và vào thời gian nào.


Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hưng Yên, vào thời điểm này, ngay trong hệ đào tạo chính quy, việc thực hiện phương thức này còn quá nhiều khó khăn nên càng xa vời và khó thực hiện với hệ tại chức. Điều quan trọng lúc này là chúng ta phải thực sự xây dựng được một chiến lược phát triển đúng đắn cho hệ đào tạo không chính quy nhằm tạo ra một bước chuyển căn bản chứ không thể rập khuôn, máy móc.

 

Yến Anh – Phạm Quỳnh

12/06/2011 – nld.com.vn

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang