Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Những lỗ hổng

Những năm qua, Bộ GD-ĐT đã nỗ lực chỉ đạo quản lý công tác tuyển sinh ĐH. Dù vậy, công tác tuyển sinh ĐH vẫn còn những lỗ hổng được nhiều đại biểu chỉ ra trong hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục ĐH, do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 19-4, tại Hà Nội. Những lỗ hổng đó là:

- Sau 24 năm đổi mới, quy mô trường ĐH, CĐ đã tăng quá nhanh, số lượng tuyển sinh gấp 13 lần trong khi năng lực đào tạo chỉ tăng 3 lần; số sinh viên tăng cao nhưng số giảng viên tăng không kịp. Năm 1987, cả nước có 101 trường ĐH, CĐ với 133.000 sinh viên; đến đầu năm 2011, cả nước đã có 114 trường ĐH, CĐ với trên 2 triệu sinh viên.

 

- Hệ tại chức phát triển mạnh nhưng khâu quản lý bị buông lỏng. Trong khi hệ chính quy phải trải qua kỳ thi quốc gia rất căng thẳng thì hệ tại chức lại không. Đầu năm 2010, Quốc hội tổ chức giám sát các trường ĐH đã thấy nhiều trường quy mô đào tạo tại chức lớn hơn cả hệ chính quy. Nhiều tổ chức làm bằng giả xuất hiện.

 

- Chủ trương đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ, ĐH đáp ứng tâm lý chạy theo bằng cấp nhưng chưa quản lý được chất lượng đào tạo dẫn đến thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Đầu vào số đông là học sinh yếu, kém mà chỉ học trong thời gian ngắn thì vừa tốt nghiệp trung cấp nghề vừa tốt nghiệp THPT rồi có thể học liên thông lên ĐH, CĐ. Xu hướng này đang ngày càng phát triển, nếu không quản lý chặt thì không biết chất lượng giáo dục ĐH sẽ đi về đâu?

 

- Ngày càng đông học sinh tốt nghiệp lớp 12 không phải qua tuyển sinh vào ĐH vẫn được học ĐH bằng con đường du học hay học ở các trường liên kết đào tạo trong nước có yếu tố nước ngoài. Con em gia đình khá giả không trúng tuyển kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng vẫn ung dung “du học” tại chỗ và được cấp bằng nước ngoài.

 

- Chỉ tiêu tuyển sinh còn theo cơ chế xin - cho. Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục cho một số trường mở các lớp hệ B hàng ngàn chỉ tiêu trong khi nhiều trường vét đủ cách vẫn thiếu nguồn tuyển và dù Nghị quyết 05/2005/NQCP (ngày 18-4-2005) của Chính phủ đã nêu rõ là không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công. Điều này đã tạo nên sự bất công bằng trong xã hội và giữa các trường.

 

Rất nhiều lỗ hổng như thế nhưng có vẻ như hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa muốn thay đổi những quy định đã không còn phù hợp thực tế, vẫn duy trì cơ chế xin- cho trong tuyển sinh. Cho nên, như nhiều chuyên gia giáo dục nhận định thì chính lỗ hổng trong quản lý mới là cái gốc tạo ra những lỗ hổng nói trên.

 

Trần Hữu Trù (Hà Nội)

27/04/2011 – nld.com.vn

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]