Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo CĐ sư phạm đến bao giờ?
04/03/2017
Từ rất lâu rồi, ở hầu hết các nước trên thế giới, để trở thành thầy cô giáo trong hệ thống viên chức giáo dục quốc gia đều phải có trình độ đại học.
LTS: Từng có nhiều bài viết đóng góp về việc đổi mới giáo dục, nhóm tác giả Việt Cường cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo quá chậm chạp trong việc thực hiện những đổi mới đào tạo giáo viên tại các trường Cao đẳng Sư phạm.
Nhóm tác giả này cũng đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn trân trọng dẫn nguyên văn ý kiến của nhóm tác giả gửi tới quý độc giả.
Từ giữa năm 2016, chúng tôi đã có bài viết nói về những bất cập trong việc đào tạo giáo viên ở các trường Cao đẳng Sư phạm.
Tuy nhiên, cho đến tận hôm nay, chúng tôi nhận thấy kế hoạch, chỉ tiêu, cách thức quản lý và đào tạo giáo viên ở các trường Cao đẳng Sư phạm trên phạm vi cả nước hầu như vẫn chưa có gì thay đổi.
Điều đó cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hơi chậm chạp trong chiến lược đổi mới và đào tạo giáo viên của mình, thiếu những chỉ đạo sát đúng với tình hình thực tiễn, không có những bước đi và hành động quyết đoán để “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”.
Chúng tôi cho rằng trong tình hình và điều kiện hiện nay, trong xu hướng giáo dục hiện đại của hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc tiếp tục cho các trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo giáo viên hệ Cao đẳng Sư phạm hoặc Trung cấp Sư phạm là một sai lầm lớn.
Việc này không chỉ tiếp tục làm cho chất lượng giáo dục yếu kém, lượng giáo viên càng ngày càng dư thừa mà còn gây ra những tốn kém lớn về kinh tế, sự lộn xộn và bất công trong tuyển dụng viên chức giáo dục cùng với nhiều hệ lụy tai hại khác cho xã hội.
Từ rất lâu rồi, ở hầu hết các nước trên thế giới, để trở thành thầy cô giáo trong hệ thống viên chức giáo dục quốc gia đều phải có trình độ đại học.
Một số nước như Cộng hoà Liên bang Đức còn yêu cầu giáo viên phải có trình độ Thạc sĩ hoặc tương đương Thạc sĩ.
Người giáo viên thời hiện đại không chỉ là người đứng lớp giảng bài mà còn phải là một chuyên gia giáo dục, được trang bị kiến thức sâu rộng và toàn diện về khoa học giáo dục, có nhiều phẩm chất và năng lực mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục hiện đại.
Theo tính toán của các nhà khoa học giáo dục, người giáo viên chí ít phải có trình độ Đại học, được đào tạo tập trung và chính quy trong một thời gian dài ở một cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín và chất lượng, mới có thể đảm bảo được những yêu cầu về kiến thức và năng lực của người giáo viên hiện nay.
Một số nước Đông Nam Á ví dụ như nước bạn Lào vẫn duy trì hệ Cao đẳng Sư phạm là do họ còn thiếu rất nhiều giáo viên. Những nước khác hầu như đã bỏ hệ đào tạo này.
Theo chúng tôi được biết, các trường Cao đẳng Sư phạm nước ta năm 2017 vẫn tiếp tục được Uỷ ban Nhân dân các tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh, ít nhất là 300 (ví dụ như Cao Bằng), trung bình là 400 (ví dụ như Thái Nguyên), nhiều là 500, 600, thậm chí 800 (như các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng đông dân).
Cộng với chỉ tiêu đã tuyển sinh từ năm 2014, 2015, 2016, trong vòng 4 năm tới (2017, 2018, 2019, 2020), các trường Cao đẳng Sư phạm trên phạm vi cả nước hàng năm tiếp tục cho ra lò trên dưới 20.000 giáo viên Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở.
Tổng hợp 4 khoá ra trường ấy, ta sẽ có thêm trên dưới 80.000 giáo viên nữa. Đội ngũ giáo viên mới này cộng thêm với đội ngũ dư thừa đã tồn đọng từ trước, sẽ là con số khổng lồ, không biết bao giờ mới bố trí công tác hết được.
Rồi còn vấn đề đạt chuẩn giáo viên, nâng cao trình độ cho đội ngũ này….
Thế là lại sinh ra các hệ liên thông, tại chức (nay gọi là hệ Vừa làm Vừa học) liên kết với các trường Đại học Sư phạm để hoàn thiện trình độ và năng lực.
Các trường Đại học Sư phạm lại thêm nặng gánh trong liên kết đào tạo. Mà, từ xưa tới nay, chất lượng đào tạo tại chức ở ta phải nói là cực kỳ thê thảm.
Câu thành ngữ hiện đại: “Dốt như Chuyên tu, Ngu như Tại chức” vẫn còn đó như một lời cảnh báo thương buồn và đau xót về chất lượng đào tạo.
Có một thời gian dài, các tỉnh thành đua nhau mở tại chức, khiến cho “nhà nhà học tại chức, trường trường dạy tại chức”, biến tại chức trở thành cái “Nồi cơm” cho các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, các trường Cao đẳng Sư phạm địa phương và các trường Đại học cả nước như Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nói.
Thời buổi nó là vậy, xu thế chung là vậy, dẫn tới chất lượng đào tạo thấp kém, hiện tượng học hộ, không học vẫn có bằng, bằng giả bằng thật, chạy điểm, mua bằng… là điều đương nhiên, không thể kiểm soát nổi.
Trong tổng số học viên đã tốt nghiệp Đại học Tại chức ở các tỉnh, số lượng giáo viên thường chiếm tỷ lệ cao nhất, nếu không muốn nói là áp đảo.
Vì vậy, ngay lập tức cần cắt việc đào tạo giáo viên ở các trường Cao đẳng Sư phạm trên phạm vi cả nước.
Càng để kéo dài hệ đào tạo này ngày nào thì nền giáo dục nước nhà càng hỗn loạn ngày ấy, càng sinh ra nhiều hệ lụy mà tương lai rất khó giải quyết, càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thành lập ngay một Ban Chỉ đạo và Quản lý việc đào tạo, tuyển dụng và phân bổ giáo viên trên phạm vi cả nước, liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành, huỷ bỏ ngay chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường Cao đẳng Sư phạm năm 2017.
Nếu không, đến năm 2020, khi Tân Bộ trưởng đã gần hết nhiệm kỳ thì bài toán giáo viên vẫn còn hết sức ngổn ngang, phức tạp, không tìm ra được lời giải đáp đúng đắn và hiệu quả.
Nhóm tác giả Việt Cường
(Nguồn: giaoduc.net.vn – 04/03/2017)