Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

'Săn' học sinh học nghề

09/12/2016

Sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề; 100% các trường THCS của TPHCM có 1-2 giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp… là những nội dung dự thảo Đề án phân luồng học sinh sau THCS tại TPHCM đến năm 2020 do Sở GD&ĐT soạn thảo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện các trường, dự thảo đang đi xa rời thực tế.

30% học nghề

Mấy năm nay, trường Trung cấp Kỹ thuật cơ khí giao thông ở TPHCM không tuyển được học sinh, phải giải thể. Lượng học viên khan hiếm khiến nhiều trường không mở được lớp. Đơn cử như Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam trong đợt tuyển sinh vừa qua không mở được lớp vì số lượng người nhập học đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT TPHCM, việc phân luồng để đạt 30% học sinh sau tốt nghiệp cấp 2 đi học nghề vào năm 2020 là cần thiết để định hướng tương lai cho học sinh. Công tác phân luồng học sinh thời gian qua không hiệu quả được báo cáo nhận định là do xã hội vẫn còn xem trọng bằng cấp, nhất là bằng đại học, mà chưa thấy được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, một số cơ sở đào tạo vẫn chưa hấp dẫn người học, phương pháp giảng dạy lạc hậu, thiếu thốn trang thiết bị, học sinh tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên khó tìm việc.

Vì vậy, dự thảo Đề án phân luồng học sinh sau THCS tại TPHCM giai đoạn 2016-2020 do Sở GD&ĐT soạn thảo nêu, các quận huyện định hướng phân luồng ngay từ đầu cấp và huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ năm 2017 là 18%, năm 2018 là 20%, 2019 là 25% và năm 2020 là 30%...

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành, TPHCM cho rằng tỷ lệ 30% vào học giáo dục nghề nghiệp là viễn vông và xa rời thực tế. Theo ông, hằng năm tỷ lệ học sinh vào lớp 10 đã trên dưới 90%, gồm các loại hình như trường công, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên… nên “lấy đâu ra 30% học sinh đi học nghề”. “Năm học 2010-2011, tỉ lệ học sinh vào hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là 7,9%; năm học 2011- 2012, tỷ lệ này là 10,6%; năm 2012- 2013 tỷ lệ này chỉ 1,7%; năm 2013- 2014 là 2,5%; năm 2014-2015 là 3,6% và năm 2015- 2016 khoảng 6-7%. Nếu chiếu theo đề án thì năm 2017, tỷ lệ học sinh vào TCCN là 18% tăng gần gấp 3 lần so với năm trước đó và đến năm 2020 là 30%, tôi cho rằng không thể nào đạt được”, ông Ngọc nói.

Cần thực tế

Ngoài mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề, dự thảo còn đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường THCS của TPHCM có từ 1-2 giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp, hỗ trợ 100% học phí cho học sinh học nghề đối tượng tốt nghiệp THCS, đầu tư 50-100 tỷ đồng/trường/năm… Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh cho rằng mục tiêu đầu tư từ 50 đến 100 tỷ đồng/trường/năm để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia đề án là không khả thi. “Có trường nghề tại quận Bình Thạnh xin 3 tỷ đồng/năm mà còn chật vật giờ nghe 50 tỷ không biết lấy nguồn đâu ra?”- ông Nhơn nói. 

Ông Lương Quang Ngọc nói, để đạt được con số theo đề án, Sở GD&ĐT cần phải phân bổ lại chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào các trường công, trường tư và đặc biệt là phải xóa bỏ mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay. “Nếu mô hình này vẫn tồn tại, cộng với tâm lý ưa chuộng bằng cấp thì những em tốt nghiệp THCS không vào được lớp 10 sẽ chuyển hết qua các trung tâm giáo dục thường xuyên”, ông Ngọc nói. Theo quy định, học sinh học nghề đối tượng THCS được hưởng chế độ miễn giảm học phí nhưng buộc các em phải đóng tiền rồi sau đó mới trả lại. “Nhiều em phải 2- 3 lần lên xuống mới lấy được tiền nên cảm thấy mệt mỏi, chán nản”- ông Ngọc nói.

Bên cạnh đó, việc hệ trung cấp, cao đẳng chuyển về Bộ LĐ-TB và XH quản lý ít nhiều đã gây khó khăn trong tâm lý người học như quản lý chương trình, liên thông giữa các cấp học khiến việc học nghề càng mất sức hấp dẫn. Vì vậy, theo các chuyên gia, chính sách phân luồng nghề nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi có một hệ thống giáo dục thống nhất, không bị cắt cúp hay ngắt quãng, không phân biệt trường công trường tư...

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về tính thực tế của dự án, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, đây chỉ là dự thảo, đưa ra để góp ý. Những con số này là dựa trên cơ sở pháp lý của các văn bản pháp luật, hiện đang tìm giải pháp để đạt được con số này.

Nguyễn Dũng
(tienphong.vn – 09/12/2016)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]