Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Giáo dục phổ thông: Nhiều thay đổi

23/01/2017

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành sẽ sớm công bố để lấy ý kiến dư luận

Theo dự thảo, chương trình giáo dục dự kiến được phân thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học, THCS và giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

Giảm môn học

Cụ thể, học sinh tiểu học sẽ học các môn bắt buộc toàn phần gồm: tiếng Việt, ngoại ngữ 1, toán học, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta/tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên. Nội dung bắt buộc có phân hóa (tự chọn module) gồm: Kỹ thuật và tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và hoạt động tự học có hướng dẫn.

Đối với học sinh THCS, các môn học bắt buộc toàn phần gồm: Ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Các môn bắt buộc có phân hóa: Tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là ngoại ngữ 2.

Học sinh THPT chia thành 2 giai đoạn định hướng nghề nghiệp nhỏ gồm: Dự hướng cho lớp 10 và tiếp cận nghề nghiệp ở lớp 11, 12. Ở lớp 11-12, học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: Ngữ văn 1, ngữ văn 2, toán 1, toán 2, ngoại ngữ 1, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học 1, tin học 2, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc). Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Ngoài ra, dự thảo mới cũng sẽ không tích hợp môn lịch sử và địa lý thành môn khoa học xã hội ở cấp THCS. Ở cấp THPT cũng không gộp lịch sử vào môn học mới là công dân với Tổ quốc như dự thảo trước đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở bậc THPT, phương án mà chương trình tổng thể đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Học sinh vẫn phải học quá nhiều môn, không có điều kiện đi sâu vào những lĩnh vực cần cho nghề nghiệp tương lai.

Ngoài ra, nội dung học tập chủ yếu vẫn giới hạn trong một số môn học truyền thống (ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh học); không đáp ứng được nhu cầu định hướng nghề nghiệp rất đa dạng của học sinh.

Tăng hoạt động trải nghiệm

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình cấp THPT phải thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn. Theo đó, chương trình sẽ dành năm lớp 10 làm năm dự hướng, lớp 11 và lớp 12 để học sinh tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.

Cụ thể, ở lớp 10, học sinh vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình hiện hành. Trừ 3 môn công cụ toán, ngữ văn, ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ. Môn giáo dục thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn học ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7.

Sau giai đoạn dự hướng, từ lớp 11 trở đi, học sinh cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Mỗi học sinh cần chọn khoảng 4 hoặc 5 môn học. Theo giải pháp này, số môn học sẽ giảm được hơn một nửa, các học sinh vừa có điều kiện học sâu hơn vừa có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay ngoài việc giảm môn học thì chương trình mới sẽ thiết kế tăng thêm các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Cụ thể, hoạt động trải nghiệm sẽ được chia làm 2 loại, một loại gắn với nội dung từng môn học và loại mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ nhất do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ hai do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường.

Chương trình này cũng dự kiến coi việc tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp, đồng thời khuyến khích các trường ĐH, CĐ lấy đó làm điều kiện ưu tiên xét tuyển.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được dự thảo chương trình tổng thể dành số giờ tương đương môn toán ở các cấp tiểu học, THCS và bằng hoặc hơn tổng số giờ dành cho hai môn toán, ngữ văn cộng lại ở cấp THPT.

YẾN ANH
(Nguồn: nld.com.vn – 22/01/2017)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]