Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm một nửa các môn học

02/03/2017

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những điểm nhấn của dự thảo lần này so với các dự thảo trước là số lượng môn học sẽ giảm đi một nửa, giúp học sinh (HS) vừa có điều kiện học sâu hơn, vừa có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai. 

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: So với dự thảo năm 2015, dự thảo lần này đã chọn được giải pháp phù hợp với mỗi giai đoạn giáo dục - giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông (THPT). 

Nếu như ở dự thảo năm 2015, kế hoạch dạy học của giai đoạn định hướng nghề nghiệp vẫn như chương trình hiện hành, tức là học sinh vẫn phải học rất nhiều môn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng vừa quá tải, vừa không học được sâu. 

Theo phác thảo chương trình trong dự thảo mới, cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp; còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn. Trừ lớp 10 là lớp dự hướng, phải học đầy đủ các môn; từ lớp 11, học sinh được chọn học những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích, sở trường của mình. 

Cụ thể, ở lớp 10, HS vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình hiện hành. Trừ 3 môn công cụ là toán, ngữ văn, ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ. Môn giáo dục thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn.

Từ lớp 11 trở đi, HS cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Theo đó, mỗi HS chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, HS có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình. 

Ví dụ, một HS dự kiến theo đuổi nghề y sẽ chọn toán, hóa học, sinh học. Bên cạnh đó, có thể chọn thêm ngoại ngữ, mỹ thuật  là những môn HS đó yêu thích hoặc có năng khiếu nhất định. 

Theo giải pháp này, đối với mỗi HS, số môn học sẽ giảm được hơn một nửa. HS vừa có điều kiện học sâu hơn, có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai vừa có điều kiện phát triển một số năng lực khác. Tương tự, thời lượng và cơ cấu môn học ở lớp 11 và lớp 12 cũng có những thay đổi so với chương trình hiện hành.

Một điểm nhấn đáng lưu ý khác trong chương trình giáo dục phổ thông mới đó là tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo bao gồm 2 loại: một loại gắn với nội dung từng môn học và loại mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn. 

Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ nhất do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ hai do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông mới coi việc tham gia hoạt động trải nghiệm là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp và khuyến nghị các trường đại học, cao đẳng coi đó là điều kiện ưu tiên để tuyển sinh.

 Huyền Thanh
(cand.com.vn – 02/03/2017)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]