'Chóng mặt' với học phí đại học
22/04/2017
Nếu trước đây học phí các trường ĐH công lập chỉ thu theo một mức trần quy định, thì nay trong hệ thống này cũng có nhiều mức khác nhau. Có những chương trình học phí cao gấp nhiều lần đại trà.
Thực tế những năm qua cho thấy nếu không tìm hiểu kỹ, khi vào nhập học thí sinh sẽ không xoay xở kịp, có khi phải lỡ dở việc học. Năm ngoái đã xuất hiện nhiều trường hợp thí sinh khi trúng tuyển vào học mới ngã ngửa vì đăng ký vào những chương trình “đặc biệt” trong trường công nên phải đóng học phí cao. Có trường hợp sau khi vào học mới biết đây là trường công tự chủ nên học phí cao hơn gấp nhiều lần các trường công khác.
Chất lượng cao gấp 9 lần đại trà
Theo Nghị định 86 của Chính phủ về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, mức học phí bậc ĐH với trường chưa tự chủ trong năm học 2017 - 2018 từ 7,4 đến trên 10 triệu đồng/năm (tùy nhóm ngành đào tạo).
Cũng trường công nhưng các trường được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (tự chủ toàn diện) thì học phí cao hơn mức thu trung bình của hệ đại trà từ 2 - 6 lần. Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2017 là 17,5 triệu đồng/sinh viên (SV)/năm. Trường ĐH Kinh tế quốc dân thu từ 14 - 17,5 triệu đồng/năm tùy theo ngành bắt đầu từ năm học 2017 - 2018. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thu 16 triệu đồng/năm nhưng năm học 2019 - 2020 là 20 triệu đồng. Cũng hoạt động theo cơ chế tự chủ nhưng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM lại thu học phí 42 triệu đồng/năm (chương trình do trường này cấp bằng) và 56 triệu đồng/năm (chương trình liên kết quốc tế giai đoạn 1).
Với trường công không tự chủ tài chính, mức học phí cũng chênh lệch nhiều giữa chương trình đại trà với các chương trình đặc biệt (chất lượng cao, tiên tiến, liên kết). Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thu học phí chương trình đại trà theo quy định là 206.000 đồng/tín chỉ ngành khoa học xã hội và kinh tế, ngành kỹ thuật, công nghệ 242.000 đồng/tín chỉ (tối đa 8,7 triệu đồng/SV năm 2017 -2018). Tuy nhiên với hệ chất lượng cao thì lên tới 26 triệu đồng/năm (bằng tiếng Việt) và 30 triệu đồng/năm (bằng tiếng Anh). Như vậy, cùng nhóm ngành về kỹ thuật nhưng mức học phí trung bình của hệ đại trà và chất lượng cao lệch nhau gần 4 lần.
Năm học 2017 - 2018, chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 25 triệu đồng/năm, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM 30 - 37 triệu đồng/học kỳ (tức khoảng 60 - 74 triệu đồng/năm). So với mức đại trà theo quy định (7,9 triệu đồng/năm) thì cao hơn khoảng 9 lần.
Học phí chương trình tiên tiến tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khoảng 24 triệu đồng/năm. Cũng chương trình này nhưng Trường ĐH Kinh tế quốc dân thu 48 triệu đồng (năm học 2016 - 2017).
Chưa công bố rõ ràng ?
Điều đáng nói là trong đề án tuyển sinh được đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và website các trường, chương trình đại trà và các chương trình đặc biệt thể hiện đan xen nhau. Tuy nhiên ở mục thông tin học phí, hầu hết các trường chỉ công bố mức học phí của hệ đại trà tính theo đơn vị tín chỉ. Nếu không tìm hiểu kỹ thông tin, việc thí sinh đăng ký nhầm sẽ khó tránh khỏi.
Trong đề án tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trong mục học phí dự kiến với SV chính quy và lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm, chỉ nêu mức thu học phí ĐH chính quy năm 2017 là 16,5 triệu đồng/SV (tăng 11% so với năm 2016). Các năm sau học phí dự kiến tăng 6% mỗi năm. Tuy nhiên đây chỉ là mức học phí hệ đại trà, còn chương trình chất lượng cao (dạy bằng tiếng Việt) khóa tuyển sinh năm nay thu tới 28 triệu đồng/năm thì chỉ có thể tìm được nếu tra cứu kỹ trên website của trường.
Việc công bố thông tin học phí các chương trình chưa rõ ràng còn thấy rõ qua đề án tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trên thituyensinh.vn. Ở đó, mức học phí dự kiến năm học 2017 -2018 chỉ dành cho diện đại trà, không công bố chất lượng cao. Nhưng cùng ở đề án này, trường thông báo tuyển sinh từng chương trình đào tạo với chỉ tiêu cụ thể. Ví dụ, cùng ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, hệ chất lượng cao tiếng Anh tuyển 35 chỉ tiêu, chất lượng cao tiếng Việt 120 chỉ tiêu và đại trà 110 chỉ tiêu.
Lãnh đạo phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết năm ngoái một số SV trúng tuyển vào trường nhưng đến thời điểm làm thủ tục nhập học mới “té ngửa” vì không đủ tiền học phí chương trình chất lượng cao. Hầu hết số SV này cho biết đăng ký chương trình chất lượng cao vì nghĩ giống như lớp chọn ở bậc phổ thông. “Học sinh cần tìm hiểu thông tin từng chương trình cụ thể để tránh tình trạng trúng tuyển nhưng không đủ khả năng theo học. Vì các chương trình này ngoài học phí cao còn yêu cầu trình độ tiếng Anh đầu vào”, vị này nói.
Trường ĐH Luật TP.HCM thí điểm tự chủ, trong đó có học phí
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký quyết định phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Luật TP.HCM. Theo đó, trường được phép thu học phí mức bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy theo lộ trình như sau: 16 triệu đồng/SV (năm học 2017 - 2018); 17 triệu đồng/SV (2018 - 2019); 17,5 triệu đồng/SV (2019 -2020) và 18 triệu đồng/SV (2020 - 2021). Với trình độ tiến sĩ, mức trần học phí được thu gấp 2,5 lần và thạc sĩ gấp 1,5 lần mức thu trên. Phương thức của chương trình giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần học phí chính quy cùng cấp, cùng nhóm ngành đào tạo. Đối với SV các khóa trước, mức học phí tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề.
|
Hân Trân
Nguồn: thanhnien.vn – 22/04/2017