Nhiều trường ĐH đã xác định ngưỡng điểm sàn xét tuyển
31/08/2020
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã xác định ngưỡng điểm sàn xét tuyển- sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi, phổ điểm từng môn và các tổ hợp xét tuyển truyền thống.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 (trong các ngày 3 và 4/9), các mốc thời gian triển khai công tác tuyển sinh đã được Bộ GDĐT điều chỉnh lùi lại cho phù hợp.
Trường top trên sẽ tăng từ 1- 3 điểm
Đơn cử như đại diện một số trường ĐH “top” trên đã đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2020. PGS.TS Bùi Đức Triệu-Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá, phổ điểm năm nay tương đối cao, trung bình tăng khoảng 1 điểm/môn so với năm 2019. Do đó, dự đoán điểm chuẩn các trường ĐH năm nay có thể tăng từ 1-3 điểm tùy từng ngành. Riêng với ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Triệu cho biết, trường dành khoảng 40% chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp. Điểm chuẩn của phương thức này sẽ công bố trước 5/9; 60% chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn vào các ngành cũng sẽ tăng từ 1-3 điểm so với năm 2019.
GS.TS Lê Thanh Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm thi năm nay cao hơn năm 2019 trên dưới 3 điểm. Do vậy mức điểm sàn dự kiến tăng 1-2 điểm. Trong khi đó, điểm trúng tuyển dự kiến tăng 1,5-3 điểm tùy theo số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành.
PGS.TS Trần Trung Kiên Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận định, năm 2019, các ngành top trên của trường có mức điểm chuẩn cận 27,4 điểm, năm nay sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm; có khả năng tăng mạnh từ khoảng 2 điểm trở lên là các ngành top giữa, tức là nếu năm trước có điểm chuẩn là 20, thì năm nay có thể là 22 điểm.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay, năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nằm trong khoảng 15-19 điểm. Năm nay, mức điểm này dự kiến tăng 0,5-1 điểm. Theo ông Tuấn, dự kiến, điểm chuẩn của các ngành tăng lên 0,5-1 điểm. Một số ngành có lượng hồ sơ lớn có thể tăng nhiều hơn.
So sánh điểm trúng tuyển 2019 để điều chỉnh nguyện vọng
Cuối tuần qua, Bộ GDĐT đã có thông báo việc lùi lịch điều chỉnh nguyện vọng và thời gian tuyển sinh ĐH, vì muốn đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Theo đó, thời gian lùi các mốc tuyển sinh vào khoảng 10 ngày so với các mốc triển khai công tác tuyển sinh như đã công bố trước đó. Như vậy thời gian thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng sẽ thực hiện sau khi các Sở xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2.
Trong đó thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19-25/9/2020 và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19-27/9/2020).
Theo quy định, từ nay tới trước ngày 18/9/2020, các trường sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT, trang thông tin điện tử của trường. Thí sinh cần bám sát các thông tin này để quyết định việc điều chỉnh nguyện vọng.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc có nên điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH hay không, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm 2019 của ngành đào tạo mà mình đã đăng ký xét tuyển, để xác định khả năng trúng tuyển. Nếu điểm thi bằng với điểm trúng tuyển của năm 2019, thì xác suất đỗ thấp, cần điều chỉnh nguyện vọng.
Đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cũng lưu ý thí sinh về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, bởi mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách nguyện vọng đã đăng ký. Khi đã trúng tuyển vào nguyện vọng nào, thì hệ thống xét tuyển chung sẽ dừng xét tuyển các nguyện vọng sau, thí sinh không thể cùng trúng tuyển ở các nguyện vọng còn lại. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc về thứ tự nguyện vọng theo hướng ưu tiên những trường, ngành mà mình yêu thích nhất.
Được biết, năm nay Bộ GDĐT tiếp tục hỗ trợ các trường ĐH trong khâu đăng ký xét tuyển, lọc ảo. Với giải pháp này, thí sinh sẽ không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng…, nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành, trường mình mong muốn. Việc lọc ảo tốt sẽ giúp các trường có khả năng tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu để đảm bảo hoạt động đào tạo chung của nhà trường
Xử lý nghiêm những vi phạm quy chế tuyển sinh
Trước những băn khoăn liên quan đến vấn đề tự chủ tuyển sinh và cạnh tranh không lành mạnh về nguồn tuyển giữa các trường, bà Nguyễn Thu Thủy. Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, các trường cần tuân thủ nghiêm các quy định trong Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 09/TT-BGDĐT ngày 7/5 của Bộ GDĐT.
Ngoài ra, các trường lưu ý: Đối với phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi THPT, các trường không thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển… khi người học chưa tốt nghiệp THPT. Bộ GDĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Theo bà Thủy, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH. Chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để bảo đảm thí sinh đủ năng lực theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc tuyển chất lượng quá thấp so với yêu cầu của ngành nghề đào tạo, sản phẩm đầu ra sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, sinh viên không thể tốt nghiệp và uy tín thương hiệu của nhà trường bị ảnh hưởng. Về lâu dài, các trường không còn uy tín để tuyển sinh nữa.
Mặt khác về căn cứ pháp lý, Quy chế tuyển sinh 2020 đã bổ sung quy định: Nhà trường chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội về cơ sở, luận cứ khoa học, cũng như quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và tổ hợp tuyển sinh có phù hợp với ngành đào tạo hay không…
DUNG HÒA
daidoanket.vn – 31/08/2020