Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Nhân lực ngành Tài nguyên – Môi trường: Thiếu, yếu, mất cân đối

Đội ngũ công viên chức của ngành tài nguyên và môi trường nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo nhân lực cho ngành trong các năm qua còn nhiều bất cập, mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo…

 

Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Định hướng đào tạo nhân lực về kinh tế - quản lý tài nguyên và môi trường trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập và phát triển bền vững” vừa diễn ra.

 

Nhân lực thiếu, mất cân đối

 

Theo TS.Tạ Đình Thi – Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên & Môi trường), hiện đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và người lao động của Bộ Tài nguyên & Môi trường có khoảng 9070 người; đội ngũ công viên chức làm công tác ở các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác có khoảng 10.000 người  Đến nay, toàn quốc có 223 khu công nghiệp được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 171 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; bên cạnh đó, có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước và hàng chục tổng công ty nhà nước, trong đó đa số đều có nhân sự chuyên trách về tài nguyên môi trường, ước tính có khoảng 20.000 người.

 

Tuy nhiên, TS.Tạ Đình Thi cho rằng, đội ngũ công viên chức của ngành tài nguyên và môi trường nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu công, viên chức. Cơ cấu về ngành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng, nghiệp vụ được giao.

 

Điều đáng nói là, cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang rất mất cân đối. Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2%, trong khi nhân lực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn chỉ chiếm 1%; địa chất khoáng sản chiếm 1,8%; còn lại 30,8% là nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác. Số cán bộ, công chức được đào tạo về kỹ thuật nhiều hơn số cán bộ công chức được đào tạo về nghiệp vụ quản lý, kinh tế…

 

Các địa phương hiện đang đứng trước tình trạng khan hiếm nhân lực được đào tạo chuyên môn. Việc tuyển dụng người có năng lực chuyên môn được đào tạo chính quy rất khó, kể cả các đơn vị cấp sở.

 

Dự báo về nguồn nhân lực ngành tài nguyên môi trường, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hà – trưởng bộ môn Công nghệ môi trường (khoa Môi trường – ĐHKHTN – ĐHQGHN), giai đoạn 2011-2015, riêng lượng công viên chức công tác tại đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp cần lên đến 4,5 vạn người, chưa kể nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực cụ thể đang thiếu hụt nghiêm trọng như lĩnh vực biển và hải đảo cần đến 20.000 cán bộ, nhân viên và người lao động.

 

Dự kiến, nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2015, đào tạo từ 150-200 tiến sĩ, ưu tiên các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành tài nguyên và môi trường.

 

Bên cạnh đó, đào tạo từ 800-1000 thạc sĩ trong các chuyên ngành về quản lý, kinh tế ngành và về tài nguyên và môi trường; đào tạo, đào tạo chuyển đổi và nâng cao từ 6000-8000 cán bộ trình độ ĐH chuyên ngành về tài nguyên và môi trường..

 

Giai đoạn từ 2015-2020, nhu cầu nhân lực tài nguyên môi trường có thể giảm khoảng 20-25%, tuy nhiên vẫn cần tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản và 1 số chuyên ngành mới…

 

Công tác đào tạo nhân lực ngành còn nhiều hạn chế, bất cập

 

Theo thống kê, cả nước hiện có 78 cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về tài nguyên môi trường, riêng các trường của Bộ Tài nguyên – Môi trường đang đào tạo khoảng 7500 sinh viên hệ CĐ và 4000 học sinh hệ trung cấp…

 

Tuy nhiên,  ý kiến chung của nhiều đại biểu, công tác đào tạo nhân lực của ngành còn nhiều hạn chế, bất cập, mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo; hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm còn thiếu thốn, lạc hậu.

 

Các lĩnh vực như đất đai, môi trường, đào tạo cung vượt cầu, trong khi đó, các lĩnh vực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu qủa tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên…

 

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường là do hiện nay vẫn chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về các chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; việc đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới, tăng cường giáo trình, chuẩn bị đội ngũ cho cán bộ giảng dạy các cơ sở đào tạo cho các chuyên ngành về tài nguyên môi trường còn manh mún, dàn trải, chính sách thu hút HSSV tham gia học tập chưa được xây dựng và ban hành…

 

Bộ Tài nguyên và môi trường đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên môi trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực được coi là giải pháp có tính chất quyết định. Những giải pháp cũng cần thực hiện đồng bộ như thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo; đổi mới chương trình đào tạo; đào tạo giáo viên; chính sách với người dạy và người học; đổi mới quản lý các cơ sở đào tạo; kế hoạch tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành…

 

Hiếu Nguyễn

14/11/2011 – gdtd.vn

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]