Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Trường đại học không dàn hàng ngang

Theo dự luật Giáo dục đại học (GDĐH), các trường ĐH được quyền in, cấp bằng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng văn bằng do trường mình cấp. Theo các chuyên gia, điều này có nghĩa là đã đến lúc cấu trúc lại nền GDĐH.

 

Chưa phân biệt hàn lâm và đại trà

 

GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng: "Một hệ thống GDĐH mạnh là phải đa dạng, trong đó mỗi ĐH có sứ mệnh khác nhau, đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu khác nhau của sự phát triển kinh tế xã hội cũng như của các nhóm dân chúng”.

 

Hiện các ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH trọng điểm được xem là trường có nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao, thuộc loại hàn lâm, thiên về nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, ở những trường này, có trường chi phí đầu tư cho một sinh viên (SV) chỉ đạt 300-350 USD/năm (bằng khoảng 2/3 chi phí trung bình hiện nay), có trường SV chính quy chưa tới 30% tổng số SV, học viên sau ĐH chỉ chiếm 3%, nhiều trường còn đào tạo cả CĐ, trung cấp. Thậm chí trong những kỳ tuyển sinh gần đây, những trường này vét cả SV theo nguyện vọng 1B, nguyện vọng 2… với điểm chỉ cao hơn điểm sàn chút ít. Những điều này, rõ ràng chỉ dành cho trường có chức năng đào tạo đại trà.

 

Trong khi đó, một số trường ĐH có nhiệm vụ chủ yếu là giảng dạy, nhưng vẫn xem nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ cơ bản, luôn đuổi theo việc nghiên cứu khoa học cũng như việc đào tạo tiến sĩ. GS Phạm Phụ nói: "Đó là kiểu quản lý “cá mè một lứa”, “giày cùng một cỡ”. Rõ ràng đấy không phải là một hệ thống giáo dục mạnh và có lẽ cũng là lý do nhiều trường ĐH đã đào tạo thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”.

 

Không thể có công thức chung

 

Tại cuộc họp báo công bố dự luật GDĐH ngày 26.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết dự luật đưa chủ trương về việc thực hiện phân tầng cơ sở GDĐH để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với vị trí vai trò, năng lực đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Cũng theo Thứ trưởng Ga, sự phân tầng sẽ bao gồm 3 hướng: các ĐH nghiên cứu, các ĐH đa ngành về kỹ thuật ứng dụng và các trường CĐ đào tạo kỹ thuật viên. Trong đó, các trường ĐH nghiên cứu sẽ bao gồm ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH trọng điểm…

 

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về GDĐH, việc sắp xếp này chưa đúng tiêu chí. GS Phạm Phụ nói: “Nếu đã gọi là ĐH nghiên cứu thì số SV sau ĐH phải nhiều hơn SV ĐH; giảng viên nghiên cứu là chính. Đồng thời, chi phí đầu tư cho một SV rất lớn. Trong khi đó, những trường ĐH vùng của VN lại chủ yếu đào tạo SV không chính quy và rất ít SV sau ĐH, giảng viên thì chỉ tập trung giảng dạy, chi phí đầu tư thấp… thì làm sao trở thành ĐH nghiên cứu được”.

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, hệ thống GDĐH ở các nước thường được phân làm 3 tầng: các trường ĐH nghiên cứu hàng đầu; các trường ĐH theo hướng khoa học ứng dụng - công nghệ, chú trọng vào việc thực hành và có thể có một số chương trình nghề; các trường ĐH mới thành lập, có nhiệm vụ giảng dạy. Khi có sự phân tách này, các trường ĐH sẽ tự xác định cho mình sứ mệnh, chức năng và nhiệm vụ cơ bản để có cơ cấu tổ chức phù hợp và cấu trúc quản trị hợp lý. Rõ ràng, tùy theo đẳng cấp của mình, các trường có quyền tự chủ khác nhau. Khi xác định đẳng cấp của trường ĐH thì nhà nước sẽ có cơ chế tài chính tương thích với mô hình quản trị, không thể có chuyện cào bằng trong việc phân bổ kinh phí nữa. Một chuyên gia nhấn mạnh: “Việc thiết kế chương trình đào tạo cũng tùy thuộc vào sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, đối tượng tuyển sinh, nhu cầu thị trường lao động. Khi đó sẽ chẳng có một công thức chung áp cho các ĐH về tỷ lệ SV/giảng viên hay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Cũng không có chuyện chỉ có một “chương trình khung” cho cả nền GDĐH”.

 

Đặc biệt, các tiêu chuẩn kiểm định của nhà nước cũng sẽ không phù hợp để áp đều lên các trường khác nhau. Không thể có cùng tiêu chuẩn kiểm định áp dụng cho ĐH quốc gia lại cũng áp dụng luôn cho một trường ĐH tư hoặc ĐH công vừa mới thành lập từ một trường CĐ. Điều này cũng có nghĩa sự phân biệt giữa các trường là do chất lượng chứ không phải theo loại hình như hiện nay. Một trường ĐH tư nhưng chất lượng cao, đầu tư bài bản thì vẫn xếp hàng cao hơn những trường công làng nhàng.

 

Ngoài ra, việc tái cấu trúc GDĐH là điều kiện quan trọng để hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục sau trung học ở nước ta, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu đa dạng về nhân lực của xã hội.

 

Ý kiến

Động lực để phấn đấu

Trước đây, quan niệm chung phần lớn cho rằng miễn là vào được ĐH; nay dần chuyển sang hướng người học đã lựa chọn trường tốt và phù hợp với mình. Đấy là một động lực để các trường phải phấn đấu để nâng cao chất lượng đào tạo của mình, có được sự chấp nhận của xã hội, có năng lực cạnh tranh tốt hơn; một cơ hội để các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập nhìn lại mình.

Ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH)

 

3 loại trường

“ĐH ở Mỹ phân thành 3 loại: trường ĐH nghiên cứu đào tạo đến tiến sĩ; trường ĐH 4 năm: đào tạo đến thạc sĩ; trường CĐ cộng đồng. Ở VN nên phân làm 3: ĐH nghiên cứu đào tạo đến tiến sĩ, ĐH đa ngành và trường CĐ. Và tầng nào lo tầng đó”. 

PGS-TS Đỗ Huy Thịnh (Giám đốc Trung tâm đào tạo SEAMEO tại VN)

 

Nên ít tinh hoa

Chỉ nên có một số ít trường ĐH kiểu truyền thống đào tạo tinh hoa, chất lượng cao và chú trọng nghiên cứu khoa học, các trường này đào tạo khoảng 20 - 30% tổng số SV ĐH, từ 30 - 40% sau ĐH. Đa số ĐH còn chủ yếu là đào tạo nghề nghiệp.

GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

 

T.Nguyễn - Nhựt Quang (ghi)

 

Vũ Thơ

29/10/2011 – thanhnien.com.vn

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]