Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Sẽ xếp hạng các trường đại học

Ngày 2-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trình Quốc hội dự án Luật Giáo dục đại học. Qua nhiều lần lấy ý kiến, dự luật đã được bổ sung nhiều điểm. Để làm rõ hơn những nội dung chính của dự luật được dư luận rất quan tâm này, phóng viên đã trao đổi với ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách giáo dục đại học.

 

* Phóng viên: Những nội dung quan trọng nhất của dự luật này là gì thưa Thứ trưởng?

 

* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Dự thảo Luật Giáo dục đại học đề cập các vấn đề như phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, tự chủ ĐH, kiểm định chất lượng đào tạo. Những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều thì luật nói khái quát. Còn những điều đã được kiểm định chắc chắn tốt, được đưa vào thành những điều khoản cụ thể.

 

Vấn đề tự chủ ĐH cũng được cụ thể hóa trong luật việc giao quyền tự chủ cho các trường về mức độ, lộ trình. Nguyên tắc sẽ trao các trường tự chủ nhưng với bối cảnh hiện nay, chất lượng các trường rất khác nhau nên sẽ có lộ trình cụ thể, trường nào tốt được giao tự chủ trước. Ngoài ra, luật cũng quy định rõ vấn đề kiểm định chất lượng ĐH, tiến đến xếp hạng các trường để xã hội ghi nhận năng lực đào tạo của họ.

 

* Rất nhiều ý kiến phản biện gay gắt dự luật này, Bộ GD-ĐT đã tiếp thu ý kiến ra sao?

 

* Trong quá trình soạn thảo, bộ nhận được nhiều ý kiến, từ đó tiếp thu để luật gần thực tiễn và có thể đưa vào cuộc sống ngay khi ban hành. Ví dụ như vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận của các trường ngoài công lập, được đưa vào dự luật, tuy khó rạch ròi nhưng đã quy định cụ thể: các khoản lợi nhuận của trường nếu dùng tái đầu tư thì không chịu thuế; khoản nào chia cho cổ tức, người đóng góp vốn thì chịu thuế. Lợi nhuận hay phi lợi nhuận phụ thuộc vào việc cân bằng tài chính cuối năm.

 

* Còn vấn đề tự chủ cho các trường?

 

* Dự luật xác định sẽ giao trường tự chủ. Nhưng để giao tự chủ phải có hội đồng trường. Hội đồng trường đã được Luật Giáo dục đề cập nhưng nhiều năm nay chưa thành lập được (hiện chỉ có 10/400 trường thành lập) vì cơ cấu tổ chức chưa phù hợp.

 

Lần này Dự luật Giáo dục đại học quy định hiệu trưởng hoặc giám đốc trường làm chủ tịch hội đồng trường, giống như doanh nghiệp có giám đốc điều hành kiêm chủ tịch hội đồng quản trị. Hội đồng trường là thiết chế bắt buộc để giao quyền tự chủ. Hiệu trưởng chịu sự giám sát của hội đồng trường vì thế không sợ hiệu trưởng lộng quyền. Việc giao tự chủ phụ thuộc vào kết quả kiểm định chất lượng. Nếu làm tốt sẽ hưởng quyền tự chủ nhiều hơn.

 

* Việc giao tự chủ phải đi liền với kết quả kiểm định chất lượng, nhưng hiện nay hệ thống kiểm định quá thiếu và yếu?

 

* Đúng là lâu nay chưa có biện pháp kiểm soát chất lượng cả trong quá trình đào tạo và đầu ra. Vì vậy, Dự luật Giáo dục đại học yêu cầu trường phải thực hiện tự kiểm định trong suốt quá trình đào tạo. Trong suốt quá trình hoạt động trường sẽ bị cơ quan kiểm định độc lập “nhòm ngó”, kết quả kiểm định được công khai. Như vậy dự luật hướng tới thắt chặt đầu ra thay vì thắt chặt đầu vào như hiện nay.

 

* Vừa qua xuất hiện tình trạng một số địa phương phân biệt hệ công lập và dân lập. Điều này có được dự luật đề cập?

 

* Luật Giáo dục đã khẳng định giá trị pháp lý bằng công lập và dân lập là như nhau. Còn Dự luật Giáo dục đại học cụ thể hơn giá trị văn bằng này thông qua chất lượng của từng trường.

 

Dự luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ cho các trường được quyền in ấn phôi bằng, cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng bằng. Người sử dụng lao động sẽ đo được giá trị của tấm bằng đó trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng cũng như danh tiếng từng trường. Và khi chúng ta xếp hạng các trường, người tuyển dụng sẽ dễ dàng biết được chất lượng bằng cấp. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường.

 

Tóm lại, Dự luật Giáo dục đại học tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong toàn hệ thống để nâng cao chất lượng.

 

* Xin cảm ơn ông! 

 

PHAN THẢO thực hiện

02/11/2011 – sggp.org.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]