Nghịch cảnh trong đào tạo và tuyển dụng
03/01/2012
Trái với những hình ảnh đẹp đẽ từng được xây dựng trong thời gian học tập; khi ra trường, nhiều sinh viên (SV) phải đối diện với cảnh thất nghiệp, thấm thía nỗi ê chề của người học cao mà không có việc làm.
Công nhân, phụ hồ
K.D, từng tốt nghiệp loại giỏi khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) hiện đang làm công nhân may giày da xuất khẩu ở khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tỉnh Bình Dương với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, D. được gia đình hỗ trợ kinh phí đi xin việc làm. Trong suốt một năm, nộp bao nhiêu hồ sơ xin việc nhưng cũng không có kết quả. Đã có lúc D. tuyệt vọng và định tìm đến cái chết. Nhưng sau đó D. quyết định đứng lên, chấp nhận làm công nhân để trang trải cho cuộc sống hằng ngày và quan trọng nhất là không để mình vô dụng.
T.H (học ngành văn hóa học) và T.T (học ngành xã hội học), cùng tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hiện tại cả hai đều đang làm công nhân tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Làm lao động phổ thông, thu nhập thấp, nhưng H. và T. đành phải chấp nhận để trang trải tiền ăn, tiền nhà…
Tốt nghiệp ngành điện - điện tử tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, A.T bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề: bán hàng, tiếp thị sản phẩm… vì không thể xin được việc. Sau một thời gian dài, vì quá nản chí, T. đã bỏ về quê để làm… rẫy, trồng cây ăn trái.
Số lượng SV học tại các trường ĐH, CĐ địa phương khó tìm việc khi ra trường cũng khá đông. Trên mạng xã hội Yume, thành viên Candy đã kể những câu chuyện mình biết ở địa phương khiến nhiều người ngỡ ngàng: “Tôi biết có một quán cà phê trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Rạch Giá. Quán có 4 nhân viên, hai nam, hai nữ, cả bốn người đều là SV tốt nghiệp ngành kế toán, nhưng đến nay đã hơn một năm vẫn chưa tìm được việc làm, đành phải tiếp tục công việc bán thời gian trước kia. Xót xa hơn nữa là tình trạng một nhóm SV tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin (Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang) phải đi phụ hồ vì không tìm được việc làm”.
Làm trái ngành, lương thấp
SV ra trường phải đi làm trái ngành, thu nhập thấp vì không tìm được việc làm đúng chuyên môn ngày càng đông.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chỉ có 50% HS-SV sau khi được đào tạo có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt. 50% làm trái ngành nghề thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác.
M.Quân, cựu SV Trường ĐH Văn Hiến cho biết, do không xin được việc làm phù hợp Quân đi tour tự do cho các hãng lữ hành. Thu nhập bấp bênh tùy vào mùa cao điểm hay thấp điểm, không thể sống được, Quân quyết định bỏ nghề và xin việc khác. Nhưng không có chuyên môn, trong 3 tháng trời Quân đành phải tìm những việc có thu nhập khá thấp và mới đây nhất, nhờ người quen giới thiệu mới tìm được việc quản lý tại chung cư với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Quân cho biết trong lớp cũng như trong khoa, số lượng SV bỏ nghề cũng phải lên tới khoảng 80%. Người đi làm phát hành báo chí, người nhờ người quen xin làm tín dụng ngân hàng và cũng có người vẫn đang thất nghiệp sau 2 năm ra trường.
Q.K, tốt nghiệp ngành kinh tế gia đình Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sau nhiều tháng vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng không chỗ nào nhận nên đành xin vào làm công nhân tại một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tại quận Bình Thạnh. Nhiều SV ngành kinh tế gia đình Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương TP.HCM thường đi làm bảo mẫu ở các nhà trẻ hoặc phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn.
Cầu ít, cung nhiều
Trung tâm dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) có báo cáo phân tích thị trường lao động năm 2011 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2012 tại TP.HCM. Đây là khảo sát thị trường lao động qua nhiều sàn giao dịch việc làm, hướng nghiệp, kênh thông tin doanh nghiệp cũng như tổng hợp thông tin hơn 18.000 doanh nghiệp. Đồng thời trung tâm đã khảo sát trực tiếp nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2012 tại 1.580 doanh nghiệp.
Thị trường lao động năm 2011 tiếp tục có sự chênh lệch cung cầu (nhu cầu ít, nhân lực nhiều) các ngành: dệt - may - giày da, cơ khí, công nghệ thông tin, điện - điện công nghiệp - điện lạnh… Đặc biệt, ngành tài chính - kế toán là ngành nghề có số lượng người tìm việc làm luôn luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên 30%.
Dự báo trong năm 2012, nhu cầu nhân lực ngành tài chính - ngân hàng chỉ còn 0,75%. Đây là cơ cấu nhu cầu thấp thứ 7 trong tổng số 36 ngành nghề được thống kê. Những ngành có nhu cầu nhân lực thấp hơn là: nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, môi trường - xử lý chất thải, dầu khí - địa chất, biên - phiên dịch, khoa học nghiên cứu, luật - pháp lý. Một số ngành nghề khác nguồn cung nhân lực cũng sẽ tăng nhanh so với nguồn cầu như quản lý điều hành, kế toán, hành chính văn phòng, kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu, tin học, quản trị kinh doanh.
|
Ý kiến
Thiếu và yếu về định hướng
Nhà trường đang rất thiếu và yếu về định hướng cho SV biết mấy năm học tại trường nên tập trung học những gì để sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp săn đón. Thay vì cố học để đạt điểm cao, SV cần cố gắng để sở hữu các năng lực khan hiếm trên thị trường lao động.
PGS-TS Lê Quân (Chủ tịch HĐQT Tổ chức tư vấn giáo dục Việt Nam - EduViet)
Nhà trường và doanh nghiệp cần gắn kết hơn
Tôi biết một công ty muốn phát triển thị trường ở Việt Nam đã đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị giá trị rất lớn cho ngành thủy sản của trường ĐH. Nhiều công ty trong và ngoài nước đã đầu tư, tài trợ cho nhiều lĩnh vực của các trường để... cùng nhau phát triển. Cần tăng cường các chương trình giao lưu giữa SV - nhà trường - doanh nghiệp; hướng nghiệp và tập huấn kỹ năng tìm việc phù hợp; nhà trường mời doanh nghiệp tham gia các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; doanh nghiệp tạo điều kiện cho SV thực tập, nghiên cứu…
Thạc sĩ Trần Đình Lý (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Nên có chương trình đào tạo ngành rộng
Việc quan trọng hơn hết là phải có chương trình đào tạo ngành rộng chứ không hẹp và cứng nhắc như hiện nay. Chương trình đào tạo phải giúp SV có kiến thức vững và có thể thay đổi chuyên môn, thích nghi với thị trường việc làm sau khi ra trường. Ở nước ngoài, khi thị trường việc làm có biến động, SV có thể được chọn lựa học nhiều môn học khác. Làm sao để khi ra trường, SV không xin việc được trong ngành chuyên môn chính thì có thể chuyển qua xin việc qua chuyên môn thứ 2, thứ 3.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long)
|
Đăng Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn