“Xung đột” chọn ngành
Từ TP Vinh (Nghệ An), cháu tôi điện thoại cho tôi với giọng khẩn khoản: “Chú ơi, chú nói với bố mẹ giúp cháu với. Bố mẹ cháu nhất định bắt thi vào những trường ĐH mà cháu không thích”.
Cháu tôi đang học lớp 12. Học lực cũng vào loại khá và năng động nên cháu thường xuyên được bầu làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn. Mùa thi ĐH sắp đến, “mệnh lệnh” mà anh chị tôi đưa ra là cháu phải thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM hoặc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Lý do: học những ngành đó sau này dễ tìm việc và cũng có thể kiếm nhiều tiền.
Vốn năng động, cháu tôi thích khám phá cuộc sống và yêu thích hoạt động xã hội nên dự định thi vào ngành công tác xã hội hoặc ngành luật. Cháu tâm sự: “Cháu không thích trường y cũng không thích trường kinh tế. Những trường đó năm nay điểm chuẩn trên 20 mới đậu, nếu có thi vào cháu cũng không đủ điểm”.
Căn cứ kết quả học tập những năm trước, tôi thấy cháu học tốt các môn như văn, ngoại ngữ và học khá các môn tự nhiên, những môn khác chỉ ở mức trung bình. Với học lực như vậy, khả năng cháu thi đậu các khối C, D là rất cao và sẽ rất thấp nếu thi vào khối A, B.
Trong cuộc sống, rất nhiều phụ huynh áp đặt con theo kiểu “mệnh lệnh” do họ đưa ra mà ít khi tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm và khả năng thực hiện của chính con mình. Điều đó dẫn đến “xung đột” giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn ngành nghề của con em mình.
Trong khi nhà trường và các cơ quan truyền thông đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp nhằm giúp học sinh chọn ngành, chọn trường theo đúng sở thích, năng lực, nguyện vọng và phù hợp với học lực của các em, thì có những phụ huynh “ra lệnh” cho con họ “thi đỗ vào ngành này, không được thi vào ngành kia”.
Là cha mẹ ai cũng mong con mình được học những trường tốt nhất, những ngành được xem là thời thượng, kiếm được nhiều tiền và làm được nhiều điều bổ ích cho xã hội. Ở chừng mực đó, việc áp đặt cho con em mình làm theo đôi khi không những không đem lại kết quả tốt mà lại có tác dụng ngược.
Trong khi đó, nếu bố mẹ tôn trọng, nắm bắt được tâm tư tình cảm, nguyện vọng và khả năng thực hiện cũng như biết chia sẻ động viên, khuyến khích con em mình chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn mong đợi.
NGUYỄN QUẾ DIỆU (giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ)
03/04/2011 – tuoitre.vn