Lừa đảo đào tạo nhân viên hàng không
29/05/2012
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã phát hiện hàng trăm giấy chứng nhận đào tạo nhân viên hàng không dân dụng do các cơ sở không có chức năng đào tạo cấp. Liên hệ với một trong các địa chỉ quảng cáo tuyển sinh nhân viên an ninh hàng không, PV Lao Động vẫn nhận được lời mời chào với mức giá 10 triệu đồng/khóa học 3 tháng.
Mượn danh
Các lớp đào tạo kiểm soát an ninh hàng không, tiếp viên hàng không, phục vụ bán vé máy bay là ba nghiệp vụ được một số TT, cơ sở mời chào trên mạng Internet. Thậm chí, có đối tượng ở Quảng Bình còn sử dụng thông báo tuyển sinh mang danh Tổng cục Hàng không dân dụng VN với thông báo khá chuyên nghiệp. Trong khi thực tế, cơ quan quản lý về hàng không dân dụng ở VN là Cục HKVN.
Cụ thể, nội dung thông báo cho biết thời lượng đào tạo nhân viên an ninh soi chiếu là 300 tiết, thời gian khóa học từ 6 - 9 tháng với học phí 25 triệu đồng/học viên/khóa, chi phí xét tuyển và khám sức khỏe tại TT y tế hàng không 980.000 đồng/học viên... Đối tượng đề nghị liên hệ về “chi nhánh trực thuộc Bộ T.Ư Tổng cục Hàng không dân dụng VN” ở TP.Đồng Hới. Khi chúng tôi liên hệ qua số điện thoại 01653... với người tên là Đức - được cho là đăng thông báo kể trên - thì không liên lạc được.
Liên hệ qua một Cty khác ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, chúng tôi nhận được thông tin nơi này vẫn đang nhận hồ sơ tuyển sinh khóa đào tạo nhân viên an ninh hàng không. Bà Đ.T.N - người đứng tên dưới các thông báo tuyển sinh - cho biết: “Chi phí khoảng 10 triệu đồng/khóa học kéo dài 3 tháng tại Trường Đại học GTVT. Vừa rồi mới mở một khóa mới nhưng chưa khai giảng được, em nộp hồ sơ đi rồi chị chuyển vào luôn cho. Sau một tháng chưa khai giảng sẽ trả lại tiền”.
Một trường hợp khác ở TPHCM là TT Eduworld đã quảng cáo “hoành tráng” về chương trình đào tạo được ủy quyền của Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) và cấp chứng chỉ dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp dành cho tiếp viên hàng không. Nhưng thực chất, TT này cũng không có chức năng tuyển sinh, đào tạo nhân viên hàng không. Sau đó TT này đã đóng cửa mà vẫn nợ hàng trăm triệu đồng học phí của các học viên.
Chỉ đào tạo người đã được tuyển dụng
Cục HKVN cho biết, hiện tượng các cơ sở không được cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không nhưng vẫn tuyển sinh, đào tạo và cấp chứng chỉ là có thật. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Hà Nội, các cơ sở này đã đào tạo 6 khóa nhân viên an ninh hàng không, mỗi khóa khoảng 35 - 40 học viên, thời gian đào tạo 3 tháng, kết thúc khóa đào tạo, học viên được cấp giấy chứng nhận. Đương nhiên, đây không phải là chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không và không có giá trị khi xét tuyển vào làm việc trong ngành.
Theo thông tư số 61/2011/TT-BGTVT, chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không do cơ sở đào tạo đã được Cục HKVN cấp giấy chứng nhận hoặc công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp vụ mới có giá trị để các DN hàng không tuyển dụng và đề nghị cục xem xét việc kiểm tra năng định, cấp giấy phép nhân viên hàng không. Cục HKVN cho biết, các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không chỉ được phép đào tạo những người đã được tuyển dụng vào làm việc trong ngành hàng không dân dụng, không tuyển sinh rộng rãi ngoài xã hội như đào tạo nghề. Hiện Cục HKVN cấp giấy chứng nhận đào tạo cho 8 TT và công nhận chương trình đào tạo của 2 cơ sở được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ủy quyền đào tạo về “hàng nguy hiểm”.
Vinh Hải
(laodong.com.vn)