Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Xét tuyển sớm giúp các trường chọn được thí sinh ưu tú, Bộ GD nên tạo điều kiện

09/12/2022

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc xét tuyển đại học sớm đã trở thành thông lệ trên thế giới, Bộ GD&ĐT nên tạo điều kiện cho các trường thực hiện.

Vừa qua, báo cáo tại giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được thực hiện cùng một đợt.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các trường đại học rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển.

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc xét tuyển sớm đã trở thành thông lệ, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tạo điều kiện để các trường được xét tuyển sớm (sau này tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ là điều kiện cần bổ sung) với cam kết thực hiện rõ ràng, công khai, minh bạch.

Việc xét tuyển sớm vừa có ý nghĩa với cả thí sinh, vừa tạo nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Những học sinh ưu tú sẽ có thời gian để cân nhắc và đưa ra lựa chọn hợp lý nhất, tốt nhất cho bản thân mình.

Trong khi đó, trường đại học sẽ xem xét thật kỹ được hồ sơ của từng thí sinh, có những bài thi tuyển, đánh giá năng lực riêng, như vậy khâu tuyển sinh được triển khai kỹ càng và hiệu quả hơn.

Vì việc xét tuyển sớm chủ yếu là xét tuyển những học sinh giỏi, thực hiện một cách minh bạch và khách quan, giúp các trường chọn và "giữ chân" được những thí sinh có chất lượng đầu vào tốt.

Đại học Quốc gia Hà Nội luôn thể hiện trách nhiệm cao trong công tác tuyển sinh, phương thức tuyển thẳng và xét tuyển ưu tiên luôn được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, hiệu quả. Phương thức xét tuyển sớm sẽ là một trong những phương án rất cần để tạo nguồn đầu vào tốt cho các ngành khoa học cơ bản.

“Và xét tuyển sớm cũng là xu hướng chung của nhiều trường đại học trên thế giới, nhằm không gây quá tải cho hệ thống tuyển sinh của các trường. Ngoài kết quả học bạ, cơ sở đào tạo chủ động kết hợp tổ chức phỏng vấn, tổ chức các bài thi đánh giá năng lực, năng khiếu,… để lựa chọn được thí sinh phù hợp, triển khai tuyển sinh theo hướng này là rất tốt, và phù hợp với Luật Giáo dục đại học.

Nếu yêu cầu không xét tuyển sớm với mọi phương thức tuyển sinh là gây áp lực không cần thiết đối với cơ sở đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên quản lý hành chính một cách cứng nhắc và cần đảm bảo quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Đối với đề xuất loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến chất lượng tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý.

Hiện nay có nhiều phương thức tuyển sinh không chất lượng, không đánh giá được đúng năng lực thí sinh. Bên cạnh đó còn xuất hiện quá nhiều tổ hợp tuyển sinh không cần thiết. Trong khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông một số môn học cũng không thực chất.

Các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh và quá nhiều tổ hợp xét tuyển giống như “vợt” đủ thí sinh, và như vậy không còn học sinh nào trượt đại học.

“Thay vì quản lý hành chính hoạt động tuyển sinh của trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên “cầm trịch” về chất lượng, giảm bớt một số phương thức tuyển sinh không hiệu quả, chỉ đạo trên cơ sở khoa học và thực tiễn trong thời gian qua để quay lại với những phương thức tuyển sinh cơ bản.

Bộ nên sát sao trong vấn đề này, tổ hợp xét tuyển nào tương ứng với ngành học nào cần được Bộ quy định rõ để hoạt động tuyển sinh đạt được chất lượng cao nhất, thay vì “thả nổi” như hiện nay”, Giáo sư Đức nêu quan điểm.

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên, Thạc sĩ Lê Phan Quốc – Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, việc không xét tuyển sớm cũng không gây khó khăn trong hoạt động tuyển sinh của trường. Bởi xét tuyển sớm với một số phương thức tuyển sinh giống như việc thực hiện thông báo cho những học sinh đủ điều kiện trúng tuyển và việc này có thể triển khai cùng lúc với đợt xét tuyển chung sau khi các thí sinh đã có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Về vấn đề có quá nhiều phương thức tuyển sinh, các cơ sở đào tạo đều có thể dựa trên cơ sở dữ liệu tuyển sinh để phân tích, đánh giá, xem phương thức nào kém hiệu quả, gây nhầm lẫn cho thí sinh thì cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

“Điều này không xảy ra với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vì các phương thức tuyển sinh đều được triển khai rõ ràng và đạt hiệu quả.

Năm 2022, nhà trường thực hiện 5 phương thức tuyển sinh, trường cũng có sự đối sánh giữa các phương thức để đánh giá hiệu quả. Ví dụ, giữa hai phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, số lượng thí sinh trúng tuyển có sự tương đương nhau. Còn thí sinh trúng tuyển diện xét tuyển thẳng sẽ ít hơn do đây đều là những học sinh có năng lực giỏi và có nhiều lựa chọn nguyện vọng” Thạc sĩ Lê Phan Quốc chia sẻ.

Thầy Quốc cũng nhắn gửi đến các em thí sinh, khi tiếp cận với hệ thống đăng ký trực tuyến cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh để xảy ra những sai sót đáng tiếc. Khi tương tác trên hệ thống online với nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn cần phải tìm hiểu và kiểm tra lại thông tin cũng như các thao tác thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho bản thân mình.

Phạm Minh
https://giaoduc.net.vn/xet-tuyen-som-giup-cac-truong-chon-duoc-thi-sinh-uu-tu-bo-gd-nen-tao-dieu-kien-post231689.gd

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]