Sớm có giải pháp tháo gỡ tình trạng sinh viên bị buộc thôi học
12/11/2015
Những ngày vừa qua, Trường đại học (ĐH) Tây Nguyên công bố danh sách hơn một nghìn sinh viên dự kiến bị buộc thôi học, cảnh báo kết quả học tập khiến dư luận xã hội băn khoăn. Tuy nhiên, tìm hiểu ở phần lớn các trường ĐH đều xảy ra tình trạng nêu trên, ít thì hàng chục, nhiều thì hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học.
Nhiều sinh viên phải rời giảng đường
Theo thông báo của Trường ĐH Tây Nguyên, dự kiến có 1.041 sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo kết quả học tập học kỳ hai của năm học 2014 - 2015. Cụ thể, trong số 414 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học, có 322 sinh viên tự ý bỏ học cả học kỳ (thậm chí cả hai học kỳ) và 72 sinh viên ba lần bị cảnh báo kết quả học tập, 14 sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập bốn lần… Trong đó, khoa Nông lâm nghiệp đứng đầu với 128 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học và 183 trường hợp bị cảnh báo kết quả học tập; Khoa Kinh tế có 123 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học và 180 trường hợp bị cảnh báo kết quả học tập. Các khoa còn lại như Khoa học tự nhiên và công nghệ, Y dược, Sư phạm, Lý luận chính trị, Ngoại ngữ, Chăn nuôi - thú y... đều có sinh viên nằm trong danh sách trên. Phần lớn số sinh viên này tự ý bỏ học, có điểm trung bình chung học kỳ dưới 1,0 hoặc bị cảnh báo quá hai lần mà không khắc phục được.
Không chỉ tại Trường ĐH Tây Nguyên, ở nhiều trường ĐH khác, tình trạng sinh viên bị buộc thôi học cũng đang diễn ra. Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền: Một năm, trường xử lý học tập hai lần theo quy chế, mỗi lần khoảng 200 đến 300 sinh viên bị buộc thôi học. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thường chỉ khoảng 60% vì chương trình khá nặng và do quy chế đào tạo của trường khắt khe hơn so với quy chế chung. Với hệ kỹ sư, sinh viên học trôi chảy trong vòng 5 năm đạt mức gần 170 tín chỉ. Trong khi hình thức xử lý học tập rất nghiêm khắc, trong thời điểm học tập, nếu các em nợ quá 27 tín chỉ sẽ bị xếp vào mức cảnh báo học tập và có thể bị buộc thôi học.
Trong khi đó, dù đào tạo ngành khoa học cơ bản, số lượng sinh viên bị buộc thôi học ít hơn, nhưng hằng năm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn có khoảng hơn 10 sinh viên bị cảnh báo buộc thôi học. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh cho biết: Môi trường học tập ở ĐH sẽ rất khác so với những gì sinh viên được trải qua ở thời học sinh phổ thông. Bản thân mỗi sinh viên phải tự nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức. Nhiều sinh viên có điểm thi đầu vào ĐH rất cao nhưng chỉ sau một thời gian học tập ở môi trường đại học, họ phải ngậm ngùi dời giảng đường.
Tháo gỡ những khó khăn
Lý giải nguyên nhân một số sinh viên bị buộc thôi học, Phó Hiệu trưởng Vũ Hoàng Linh cho rằng chủ yếu do bị bạn bè lôi kéo đi bán hàng đa cấp, ham mê trò chơi điện tử. Mặt khác, do thay đổi môi trường, phương pháp học, cùng với đó việc định hướng nghề nghiệp còn nhiều bất cập; thông tin ngành, nghề chưa nắm rõ, lựa chọn ngành, nghề không phù hợp... Hơn nữa, vào ĐH, với mô hình đào tạo theo tín chỉ, tự đăng ký môn học, tự hoạch định kế hoạch học tập cho bản thân, nhiều em theo tâm lý đám đông, đăng ký nhiều tín chỉ nhưng không hoàn thành. Đáng chú ý, nhiều sinh viên từ phổ thông vào ĐH dễ bị thất vọng vì chương trình đào tạo khi phải học các môn đại cương, các môn chính trị sau đó mới được học những kiến thức về chuyên ngành. Sinh viên vào học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên gồm hai đối tượng được phân hóa rất rõ: Những em yêu thích ngành nghề theo học và những em không đỗ vào trường theo nguyện vọng 1 chấp nhận vào trường theo kiểu cứ đỗ ĐH là được. Tâm lý học tập lung lay, không chọn được ngành, nghề phù hợp cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết: Sinh viên bị buộc thôi học do sa đà vào các trò chơi điện tử và một số em chưa xác định rõ con đường phía trước, cho nên không có mục tiêu phấn đấu. Mặt khác, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên phải chịu áp lực rất lớn bởi môn Toán cao cấp và Vật lý đại cương được dạy ngay từ năm thứ nhất. Vì vậy, nếu sinh viên không phấn đấu trong học tập thì sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị buộc thôi học. Để tháo gỡ khó khăn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo điều kiện cho sinh viên có thể chuyển từ học chính quy sang hệ vừa làm vừa học. Mặt khác, Đoàn Thanh niên, hội sinh viên, bộ phận cố vấn học tập của trường thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo rất sớm cho sinh viên để nhằm hạn chế tình trạng bị rơi vào mức kỷ luật cao nhất đó là buộc thôi học. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang dự kiến lập một mô-đun trên website của trường dành riêng cho phụ huynh truy cập nắm được tình hình của con em mình, tránh trường hợp khi nhà trường cảnh báo kết quả học tập hay buộc phải thôi học gia đình mới biết.
Trong khi đó, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường ĐH Xây dựng Bùi Quang Trung thì cho biết: Thông qua các tuần giáo dục công dân sinh viên, trường phổ biến cho sinh viên những vấn đề về đào tạo đến kỷ luật, cảnh báo để sinh viên ý thức được, nếu không cố gắng thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Từ đó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất số sinh viên bị buộc thôi học.
Theo các chuyên gia giáo dục, phần lớn các sinh viên khi nhập học mới bắt đầu cuộc sống xa gia đình, vì vậy, cần có sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường và các đoàn thể một cách sát sao, tránh những sai lầm đáng tiếc. Bên cạnh đó, các nhà trường cố gắng tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến chuyên môn ngoài giảng đường như thực tập, thực hành ở các đơn vị tuyển dụng để sinh viên thấy được công việc của mình sau này và hứng thú với ngành, nghề đang học. Đáng chú ý, các trường ĐH cần có phòng tư vấn tâm lý để sinh viên sẵn sàng đến giãi bày, chia sẻ và trao đổi những áp lực mà mình gặp phải trong học tập, trong cuộc sống để được tháo gỡ. Đối với các sinh viên vào ĐH là bắt đầu một chặng đường học tập vất vả, khó khăn hơn rất nhiều so với ở bậc học phổ thông chứ không phải lúc để xả hơi. Vì vậy, cần đăng ký tín chỉ học tập phù hợp năng lực của mình, từ đó cố gắng nỗ lực để tránh xảy ra những điều đáng tiếc như bị buộc thôi học.
QUỲNH NGUYỄN
(nhandan.org.vn)