Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Phân biệt các ngành học gần giống

Trong hàng trăm ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH, CĐ hiện nay, nhiều ngành có tên gọi tương đồng nhưng thực tế lĩnh vực đào tạo lại khác nhau.

Khoa học và kỹ thuật

 

Ở các trường, nhiều ngành nghề có tên gọi gần giống nhau như: Hóa học và Công nghệ hóa học; Khoa học môi trường và Công nghệ môi trường; Sinh học và Công nghệ sinh học...

 

Theo ông Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), thì các ngành học này được đào tạo theo hai hướng khác nhau là khoa học và công nghệ. Những ngành khoa học sẽ đào tạo thiên về nghiên cứu, công nghệ thiên về kỹ thuật. Sinh viên (SV) sẽ được đào tạo một khối lượng kiến thức chung, cơ bản về ngành nhưng đến học kỳ 3 sẽ học kiến thức chuyên ngành. Nếu so sánh 2 chương trình, sẽ có khoảng 20-30% khối lượng kiến thức khác nhau. Vì vậy khả năng làm việc sau khi ra trường của SV cũng khác nhau. Nếu theo hướng khoa học, thời gian đào tạo trong 4 năm, ra trường SV sẽ được cấp bằng cử nhân. Đối với các ngành về kỹ thuật thời gian đào tạo khoảng 5 năm và SV sẽ được cấp bằng kỹ sư khi tốt nghiệp.

 

Đa dạng công nghệ thông tin

 

Nhiều trường ĐH có đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) nhưng mỗi trường có tên ngành học khác nhau như: Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính, Công nghệ hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính viễn thông...

 

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng trường ĐH FPT, cho biết CNTT có thể được chia thành nhiều chuyên ngành theo các cách khác nhau. Theo chuẩn ACM chia thành 5 chuyên ngành gồm: Khoa học máy tính (Computer Science), chủ yếu để đào tạo ra các nhà khoa học, làm công tác nghiên cứu hoặc giảng dạy. Ngành này có nhu cầu nhân lực tinh nhưng số lượng không nhiều.

 

Thứ hai là Công nghệ phần mềm (Software Engineering), đào tạo các kỹ sư, chuyên gia làm việc trong lĩnh vực sản xuất phần mềm. Đây là ngành đòi hỏi nhiều nhân lực nhất và cũng mang lại nhiều cơ hội nhất cho CNTT VN với số lượng có thể lên đến hàng trăm nghìn người.

 

Thứ ba là Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering), đào tạo ra các kỹ sư, chuyên gia tham gia vào các quá trình nghiên cứu, sản xuất các thiết bị phần cứng liên quan đến CNTT, viễn thông, điện tử. Thứ tư là Hệ thống thông tin (Information System), đào tạo ra các kỹ sư, chuyên gia để tham gia vào các quá trình tích hợp, triển khai các hệ thống thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức. Cuối cùng là chuyên ngành Ứng dụng CNTT (Information Technology), SV ra trường có thể làm việc trong các phòng ban CNTT của các doanh nghiệp, tổ chức để triển khai và vận hành các hệ thống CNTT tại đó.

 

Vũ Thơ

Thanhnien.com.vn - 18/02/2011

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]