Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Làm thế nào để “tự” hướng nghiệp-chọn nghề?

Tự hướng nghiệp-chọn nghề ở đây không có nghĩa là bất cần sự giúp đỡ của người khác, mà nó mang ý nghĩa: Sự giúp đỡ đó phải có giá trị cho bạn, thật sự có thể giúp để bạn tự hướng nghiệp-chọn nghề cho mình.

 

Vậy những ai, những ai sẽ là người giúp bạn trong việc tự hướng nghiệp-chọn nghề. Và làm thế nào để nhận biết đâu là lời khuyên chính đáng nhất? Quyết định là ở nơi bạn, bạn chịu trách nhiệm về sự nghiệp và cuộc đời của mình, không thể ai khác.

 

Việc chọn nghề vừa phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội: không cần phải là nghề nghiệp cao sang nhưng nên là những nghề cần thiết (lâu dài) trong xã hội, vừa phải phù hợp với sở thích, sở trường, sức khỏe và đồng thời phải thích nghi với hoàn cảnh kinh tế của mình.  

 

Đây là những điều cơ bản cần phải đáp ứng, một nhiệm vụ không hề dễ dàng cho các bạn trẻ, vậy ta phải tìm sự trợ giúp từ đâu? 

 

Từ những lời khuyên chân tình: Gia đình, họ hàng và bạn bè có thể là những người giúp đỡ tuyệt vời nhất. Nhưng cũng có thể, họ sẽ là những người gây nhiều rắc rối khủng khiếp nhất cho quyết định chọn lựa nghề nghiệp của bạn. Thường là họ không có khả năng nhìn thấy tiềm năng thật sự của bạn vì bị tình cảm chủ quan chi phối. (Quan hệ càng thắm thiết, áp lực càng lớn, quyết tâm chọn lựa của bạn sẽ bị dao động càng nhiều bởi ảnh hưởng của họ).

 

- Nếu người khuyên bạn là người hạnh phúc và thành đạt với lĩnh vực của họ thì không có gì đảm bảo rằng bạn cũng vậy. Mỗi người có một năng lực và sở thích khác nhau, phù hợp với những công việc khác nhau. Bạn đừng nghĩ rằng nếu người thân của bạn thành công trong ngành chứng khoán chẳng hạn thì bạn cũng sẽ trở thành một người giàu có nhờ nghề chứng khoán. Bạn có thể lắng nghe lời khuyên của họ nhưng đừng áp dụng máy móc. Hãy quan tâm đến lĩnh vực mà bạn yêu thích, có khả năng chứ đừng bắt chước một cách máy móc.

 

- Tuy nhiên, sự góp ý của gia đình trong nhiều trường hợp lại rất chính xác vì cha mẹ là người nhiều kinh nghiệm hơn lại hiểu rõ năng lực và những yếu kém của bạn. Đặc biệt, khi đã có cơ sở hoạt động nghề tại gia đình, nhiều bạn trẻ đã “non dạ” từ chối làm việc ngay cho nhà, thích bay nhảy bên ngoài nên chọn học theo những ngành nghề hoàn toàn không liên quan đến nghề nghiệp gia đình có sẵn. Thực tế, chỉ có một số ít là thành công phát huy được năng lực, số còn lại thường phải bấp bênh tìm việc hoặc duy trì những công việc làng nhàng, khi muốn làm việc cho gia đình thì lại tiếc công đã học. Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn hãy tham dự vào công việc gia đình, sớm tìm hiểu kỹ càng nghiệp nhà trước khi chọn ngành học khác.

 

Bạn đừng ngại, với sự chuyên môn hóa ngày nay, dù gia đình làm nghề gì cũng đều có các ngành học liên quan để bạn học cao lên, chuyên sâu hơn. Khi đó, bạn càng có điều kiện phát huy cái học, tài năng của mình để phát triển cơ sở riêng.   

 

Lời khuyên từ những chuyên gia: Đừng bao giờ mất tiền nghe những người hướng nghiệp thao thao bất tuyệt về những gì chỉ là lý thuyết. Khi đã có một vài lựa chọn cuối cùng hãy gõ cửa những chuyên gia tìm những lời khuyên xác đáng. Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hay bất cứ ai khác đều không thể khẳng định nghề nghiệp nào thì phù hợp với bạn nhất. Họ chỉ có thể đưa ra cho bạn lời khuyên, sự chỉ dẫn cơ bản nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp và phần nào giúp quá trình quyết định lựa chọn nghề nghiệp của bạn trở nên dễ dàng hơn mà thôi. Tất cả chỉ là để tham khảo, phải phân tích một cách khoa học, loại trừ những nguồn tin nặng về ý nghĩa tiếp thị, quảng cáo, chào hàng, chính bạn mới là người quyết định.  

 

Thực tế, tự quyết là quan trọng nhất: Bạn sẽ thu được kết quả hay hơn, điều chỉnh lại kế hoạch hướng nghiệp-chọn nghề của mình một cách sít sao hơn và thực tế hơn, đó là:

 

 - Cố gắng làm thử nhiều công việc khác nhau. Làm càng nhiều việc, bạn càng hiểu rõ thêm công việc nào sẽ phù hợp với bạn trong thời gian lâu dài. Khi đã có kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cách nhìn vấn đề của bạn sẽ đa dạng hơn. Tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, không chỉ để các bạn hiểu biết đối với nghề định chọn sẽ làm trong tương lai mà còn có thể làm cho bạn hiểu rõ thêm giá trị của nghề này, hình thành sự hứng thú và tâm nguyện cống hiến cho nghề đã chọn.

 

- Bạn sẽ tăng thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn khi bạn không lẳng lặng, âm thầm giải quyết một mình. Nếu bạn gặp gỡ, trao đổi với người khác, bạn có thể nói về cuộc sống của bạn, cảm xúc của bạn, băn khoăn của bạn và nghề nghiệp gì bạn muốn theo. Trong cộng đồng, bạn có thể học được từ những kinh nghiệm của người khác và nhiều quan điểm khác nhau. Vấn đề là: Làm thế nào để họ chia sẻ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và kiến thức của họ, giúp bạn tìm được hướng đi đúng cho mình?    

 

Ai là người có kinh nghiệm thích đáng để giúp bạn tìm hiểu ngành nghề muốn học?

 

Ai là người có năng lực giúp đỡ? Người có thể củng cố, tăng tự tin cho bạn, giúp bạn có thể tự lực, tự đánh giá mình?

 

Ai là người có đủ kiến thức về lĩnh vực bạn muốn học? - Đôi khi các chuyên gia (trình độ cao) lại không thích hợp, vì họ không thể nhớ hoặc nhận ra giá trị và những khó khăn của giai đoạn đầu nghề.

 

Như vậy, những phẩm chất của người bạn cần tìm đó là:

- Biết lắng nghe: Vì bạn nên hỏi và trao đổi vấn đề qua tiếp xúc trực tiếp.

- Chân thật và thân mật: Khiến bạn cảm thấy thoải mái và thích thú.

- Tôn trọng nhau: Vấn đề của bạn cần được trình bày trên cương vị bình đẳng.

- Thực tế: Nếu ước mơ và mục đích của bạn là hão huyền, họ sẽ giúp bạn trở lại thực tế một cách nhẹ nhàng.

- Không cao đạo: Đánh giá bạn, chia sẽ ý kiến với bạn nhưng không lên giọng khuyên bảo kiêu kỳ. Họ để bạn tự giải quyết những vấn đề của bạn, để bạn tự quyết định, không chỉ trích hay kết tội bạn về những lỗi lầm. Quan tâm giúp đỡ bạn bằng những nhiệm vụ thách thức và tặng bạn những kinh nghiệm của họ.

 

Một khi bạn cảm nhận được ai đó là người có thể giúp đỡ, (ví dụ: người mà bạn sẵn sàng chọn làm người chủ, người thầy của mình), hãy liên hệ ngay với họ, giải thích tại sao bạn cần sự giúp đỡ của họ và nhờ họ (nếu họ quan tâm).

 

Tóm lại, để tìm một người có khả năng cố vấn cho bạn, hay nói khác đi: Trước một lời khuyên, bạn hãy xem xét đó có phải là người bạn cảm thấy thoải mái bên cạnh, người có thể đưa ra những ý kiến phản hồi tích cực, đưa ra những lời phê bình xây dựng và những ý tưởng để bạn cố gắng hay không? Họ có quan tâm giúp đỡ bạn, đánh giá bạn, nhưng để bạn tự giải quyết những vấn đề của bạn, để bạn tự quyết định và có hay không chỉ trích, kết tội bạn?   

 

Bài viết này có thể là dài và khô khan, cám ơn bạn đã đọc, hy vọng bạn có được một vài kinh nghiệm hữu ích nào đó trong việc định hướng nghề nghiệp cho mình.

 

Chúc bạn có được nghề phù hợp và gặp nhiều may mắn!

 

Văn Gia Kỳ (Hieuhoc.com)

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang