Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Khơi gợi lòng yêu nghề ở giới trẻ

Văn hóa nghề biểu hiện trước hết ở sự nhận thức về nghề, sự lựa chọn nghề nghiệp và việc học nghề. Nói cách khác, văn hóa nghề biểu hiện ở quan niệm về sự tiếp cận các cơ hội học nghề, lựa chọn nghề và vun đắp giá trị nghề nghiệp cho tương lai. Đáng lo nhất là giáo dục nhận thức về văn hóa nghề gắn với định hướng giá trị và hành vi nghề nghiệp trong thanh thiếu niên còn rất nhiều vấn đề đáng bàn.

 

Xã hội trọng bằng cấp

Sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua ở VN cho thấy vẫn còn tồn tại sự phân bố chưa hợp lý về nguồn nhân lực, nổi bật nhất là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Số lượng sinh viên được đào tạo qua các trường ĐH tăng mạnh, trong khi lực lượng lao động kỹ thuật, thợ tay nghề bậc cao lại thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ nhận thức và hành vi văn hóa nghề của thanh thiếu niên. Một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên vẫn bám giữ những giá trị, chuẩn mực nghề nghiệp cũ, coi trọng khoa cử, bằng cấp mà ít quan tâm đến các nghề lao động trực tiếp.

 

Một thực trạng rất đáng lo ngại là trong khi nhiều khu công nghiệp (KCN) đang được xây dựng và đi vào hoạt động thì vẫn có không ít gia đình vẫn ôm mộng khoa cử, chỉ mong muốn con cái thi đỗ ĐH và theo đuổi giấc mộng “làm quan”, “làm thầy”. Khảo sát của chúng tôi tại một số khu vực như Hà Nội, Quảng Ninh, Khu Kinh tế Dung Quất, cho thấy có tới 48,8% thanh thiếu niên cho rằng cần phải học xong THPT rồi mới tính đến những bước tiếp theo; 37% thừa nhận để vào đời thuận lợi thì tấm giấy thông hành cần thiết vẫn phải là bằng tốt nghiệp ĐH hay trên ĐH. Ngược lại, chỉ có 6,7% ý kiến nói cần phải có nghề giỏi và 1,3% trả lời không biết...

 

Như vậy, phần đông ý kiến vẫn cho rằng học lên cao mới là cơ sở đích thực để phát triển nghề nghiệp, còn học nghề chỉ là phương án dự phòng.

 

Nhận thức học nghề: Lệch hướng

Đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của quá trình tuyển chọn và sử dụng đội ngũ lao động công nghiệp. Để có thể đạt trình độ tay nghề nhất định, người lao động phải đầu tư không ít công sức, thời gian và chi phí cho việc học và thực hành nghề. Nhưng kết quả khảo sát của chúng tôi cũng đưa ra những con số đáng chú ý.

 

Về mặt kinh tế, khảo sát cho biết khả năng đầu tư cho học nghề của con cái các gia đình còn rất hạn chế. Ở Khu Kinh tế Dung Quất, bình quân mỗi hộ dân chỉ có thể đầu tư dưới 200.000 đồng/tháng nếu con cái còn đi học. Còn về chọn nghề, tỉ lệ thanh thiếu niên chọn học nghề hành chính - văn phòng chiếm tỉ lệ cao nhất: 36,6% trong số người được hỏi; trong khi các nghề kỹ thuật chỉ chiếm khoảng nửa tỉ lệ này, như cơ khí 18,2%, kỹ thuật điện 17,6%... Đối với khu vực có cơ sở công nghiệp lớn, đang phát triển mạnh mẽ như nói trên mà tỉ lệ thanh thiếu niên thích học nghề hành chính - văn phòng cao như thế rất đáng để suy nghĩ.

 

Ngoài ra, khi khảo sát định hướng nghề nghiệp của thanh thiếu niên miền núi, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều sai lệch về chuẩn mực văn hóa nghề ở nhóm người từ 11 – 17 tuổi. Ai cũng biết ở khu vực miền núi rất cần nhiều lao động phổ thông để phát triển, nhưng lại có đến 39,1% muốn chọn nghề dạy học; kế tiếp 17,2% chọn nghề y và 13,5% chọn công việc hành chính – văn phòng.

 

Xã hội hóa... văn hóa nghề

Những con số trên rất đáng để bàn thảo, trên cơ sở đó trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến khía cạnh nâng cao văn hóa nghề cho thanh thiếu niên. Nếu công nghiệp hóa được bắt đầu từ chính con người, từ sự nhận thức đúng đắn về quá trình xây dựng, triển khai và phát triển công nghệ và công nghiệp thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực phải được xem là một yếu tố quan trọng nhất. Phải khơi dậy được những tiềm năng sẵn có về kinh tế, con người và văn hóa, sự ham học hỏi, lòng say mê và yêu thích lao động sáng tạo của các thế hệ, xã hội hóa công tác đào tạo và học tập, xây dựng những chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp mới.

 

Về phương diện này, rất cần các chính sách, biện pháp của Nhà nước để vừa khuyến khích, động viên vừa ràng buộc trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà đầu tư và sử dụng lao động trong việc phải tham gia tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Cũng cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, tạo điều kiện để các cơ quan chính quyền, đoàn thể, cộng đồng, gia đình, đặc biệt là ngành giáo dục và LĐ-TB-XH tham gia tích cực trong việc đào tạo kiến thức, chuyên môn và văn hóa nghề cho thanh thiếu niên.

 

GS-TS Đặng Cảnh Khanh

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]