Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Kỹ sư vẫn đi học nghề

Nhiều sinh viên (SV) ĐH-CĐ thuộc khối ngành kỹ thuật, người đã tốt nghiệp ĐH vẫn tìm đến trường nghề để… học thêm.

 

Mở rộng kiến thức

 

Mỗi năm, trong khoảng 15 ngàn lượt người tham gia các lớp nghề ngắn hạn, lớp trung cấp của trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, thì có gần 10% học viên là SV các trường ĐH-CĐ, những người đã có bằng ĐH. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, giáo viên trường này cho biết: “Kỹ sư đi học nghề thường có nhiều lý do, người thì học bổ sung kiến thức vì trường ĐH không đào tạo đủ, người cập nhật kiến thức mới để bắt nhịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật”… 

 

Anh Nguyễn Tấn Lộc, hiện đang làm việc cho một công ty chuyên về vật tư thiết bị điện, nói: “Trước đây, tôi tốt nghiệp ngành điện - điện tử trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Hiện tôi đang theo học lớp “gia công và chế tạo khuôn mẫu” tại trường Hùng Hương. Mục đích là đầu tư, trang bị thêm kiến thức ở lĩnh vực khác với chuyên môn đã học để sau này có thể đáp ứng công việc ở môi trường mới”.

 

Anh Huỳnh Quân, sinh năm 1977, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của trường ĐH Thủy sản, đã 5 năm làm việc tại công ty chuyên về lĩnh vực trang trí nội thất, cho biết: “Tôi đang học thêm chương trình AutoCad 3D (chủ yếu dùng thiết kế bản vẽ, thiết kế nội thất) để bồi dưỡng thêm kỹ thuật này, giúp quản lý công việc của nhân viên tốt hơn. Mặt khác, biết nhiều về thiết kế thì khi tư vấn cho khách hàng, công việc cũng trôi chảy hơn”.

 

Còn anh Đặng Văn Phú, sinh năm 1987, tốt nghiệp ĐH Yersin Đà Lạt ngành kiến trúc, đang công tác tại Gia Lai thì lý giải việc mình đi học nghề như sau: “Trước mình học kiến trúc nhưng các thiết kế trên máy tính trường không dạy nhiều. Do đó mình đi học lớp nghề ngắn hạn thiết kế mẫu để bổ sung kiến thức phục vụ công việc”.

 

Cập nhật công nghệ

 

Hiện nay nhiều SV khối ngành kỹ thuật của các trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM… sau giờ học lại tìm đến các trung tâm đào tạo nghề, trường nghề… để học các chương trình đào tạo về kỹ thuật.

 

Nguyễn Văn Mẫn, SV năm 2 ngành cơ khí chế tạo máy trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay: “Trường chỉ dạy các kiến thức căn bản, em muốn học nâng cao và có điều kiện thực hành nhiều hơn nên phải đi học thêm bên ngoài. Ví dụ như ở trường mình chỉ học AutoCad căn bản, còn muốn thiết kế hình ảnh 3D thì phải đi học thêm”. Còn Cao Tấn Kỳ, SV năm 2 ngành công nghệ tự động, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, đi học thêm các lớp lập trình PLC S7-3000NC (thuộc lĩnh vực cơ điện tử) là vì: “Trường dạy lập trình ở những dòng máy khác, trong khi hiện nay các công ty bên ngoài hoạt động dòng máy khác nên em phải học thêm để ra trường có thể đáp ứng ngay công việc”. 

 

Ông Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng nhận định: “Việc SV đi học thêm để đạt các chứng chỉ nghề, bổ sung kiến thức trước khi ra trường là điều đáng khích lệ”. Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác HS-SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng hiện tượng SV các trường ĐH thuộc khối ngành kỹ thuật đi học nghề là bình thường. Bởi, ở khối ngành kỹ thuật, công nghệ được cập nhật, phát triển liên tục. Trường cứ 4 năm lại thay đổi chương trình một lần để đưa công nghệ mới vào đào tạo. Những SV năm 3, 4 có thể trước đó các em học kiến thức cũ, trước khi ra trường rất cần được bổ sung thêm.

 

Minh Luân

10/09/2011 – thanhnien.com.vn

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]