Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Khống chế đào tạo cử nhân: “Phanh” nhanh còn kịp!

08/01/2016

Việc khống chế chỉ tiêu đào tạo tối đa 15.000 sinh viên cho các trường đại học (ĐH) được coi là “liều thuốc mạnh” nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng thừa cử nhân, thiếu việc làm. Tuy nhiên, quy định này đã khiến không ít lãnh đạo trường và học sinh hoang mang, lo lắng.

Gấp 2 lần mức khống chế

Quy định “cứng” tại Thông tư 32 vừa được Bộ GDĐT ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.2.2016 bắt buộc các trường ĐH chỉ được đào tạo tối đa 15.000 sinh viên, các trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe phải đảm bảo quy mô tối đa 8.000 sinh viên hệ chính quy, khối ngành  nghệ thuật không quá 5.000 sinh viên.

Đáp ứng quy định này, Bộ GDĐT cũng vừa rà soát công bố danh sách 18 trường ĐH trong tổng số 219 trường của cả nước hiện đang có quy mô đào tạo lớn hơn nhiều lần so với mức khống chế trên. Điển hình như, ĐH Cần Thơ hiện đào tạo 32.405 sinh  viên; ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội 30.487 sinh viên; Học viện Nông nghiệp Việt Nam 30.360 sinh viên; ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… đều có quy mô vượt mức 20.000 sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã có văn bản gửi 18 trường ĐH này yêu cầu các trường xây dựng lộ trình giảm dần quy mô sinh viên chính quy và gửi báo cáo về bộ trước ngày 31.3. Cũng theo ông Ga, trong năm 2016, Bộ vẫn cho phép các trường này được xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào 2 tiêu chí diện tích sàn và số sinh viên/giảng viên nhưng với điều kiện chỉ tiêu tối đa không vượt quá mức chỉ tiêu đã được xác định năm 2015” – ông Ga nói.

Giải thích về quy định này, ông Nguyễn Văn Áng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GDĐT) cho biết, hiện quy mô các trường ĐH chính quy đang tăng rất nhanh, sự tăng trưởng này sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định về chất lượng đào tạo. “Bộ GDĐT đề ra bước đi này là muốn cho các trường nhận thức được việc phải đầu tư vào chất lượng đào tạo thay vì phát triển quy mô. Đã đến lúc chúng ta phải căn chỉnh lại toàn bộ hệ thống đào tạo để đáp ứng nhu cầu về kinh tế xã hội, chất lượng nguồn nhân lực” – ông Áng nói.

Đây cũng là yêu cầu của thực tế khi mà số lượng cử nhân được đào tạo ra trường hiện nay đã làm cho thị trường lao động bị “quá tải”. Hiện đã có hơn 225.000 cử nhân thất nghiệp, cảnh cử nhân giấu bằng đi làm công nhân không còn hiếm. Cử nhân thất nghiệp ôm biển xuống đường xin việc, thậm chí nhiều cử nhân không tìm được việc làm bí bức, sinh trầm cảm, nghĩ quẩn.

Khó tự mình “gọt” mình

Chỉ còn 1 tháng nữa, thông tư này sẽ bắt đầu có hiệu lực, thời điểm này, nhiều trường ĐH tỏ ra khá hoang mang và chưa biết nên sắp xếp lại  thế nào để đáp ứng yêu cầu.

ĐH Cần Thơ đứng đầu trong danh sách các trường ĐH có quy mô “khủng” nhất, ông Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu đúng “định mức” tối đa thì trường này phải giảm tới 17.000 sinh viên, đi cùng với nó là phải giảm hàng loạt biên chế giảng viên, điều này đang khiến không ít sinh viên, cán bộ giảng viên lo lắng. Đáng lo nhất là giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá… cơ sở vật chất dư thừa một số lượng lớn. “Chẳng nhẽ đập bỏ” – ông Xê lo lắng.

“Trường sẽ đề xuất với Bộ GDĐT xin được duy trì quy mô đào tạo 32.000 sinh viên chính quy trong năm 2016 và những năm tới với mức tuyển mới là 8.500 sinh viên/năm. Tiếp theo đó, trường sẽ dần dần có hướng đi hợp lý với quy định” – ông Xê bày tỏ.

Tương tự, lãnh đạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông lâm TP.HCM cũng cho biết, trường không thể giảm ngay quy mô đào tạo xuống dưới 15.000 sinh viên được, cần có lộ trình giảm từ từ để không… sốc.

Mặc dù khó nhưng là hướng đi tốt thì vẫn phải làm, đó là quan điểm của ông Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ Việt Nam. Ông Khuyến cho rằng: “Quy định này tất nhiên sẽ gây xáo trộn không chỉ cho các trường mà còn cho sinh viên và học sinh. Tuy nhiên, xáo trộn mà tốt  lên thì vẫn phải làm”. Theo ông Khuyến, đó là một cách để các trường phải nhấn mạnh hơn về chất lượng đào tạo, sinh viên có nhận thức hơn về tương lai nghề nghiệp và đặc biệt là học sinh, phụ huynh và cả xã hội phải nhìn nhận lại về hướng đi của mình xem có nhất thiết phải vào ĐH hay chọn đi học nghề và việc phân luồng từ THCS cũng phải được đẩy mạnh và làm tốt hơn.

Dù chưa nhìn nhận được sâu sắc về quy định này, nhưng em Nguyễn Thị Liên – học sinh Trường THCS Ninh Giang (Hải Dương) cũng hiểu rằng: “ĐH bị giới hạn chỉ tiêu, việc đỗ ĐH sẽ khó hơn trước nên các bạn học sẽ ý thức được rằng có giỏi hãy vào ĐH, không thì nên đi học nghề. Em tin là sau này tấm bằng ĐH sẽ có giá trị hơn”. 

Thông tư 32 của Bộ GDĐT còn quy định:

Cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành VI; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác...       

G.B

Tùng Anh (danviet.vn – 08/01/2016)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]