Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Đừng chọn nghề theo cách của tôi!

Sau bảy năm đi làm, không ngừng phấn đấu và học tập trong môi trường chuyên nghiệp của các công ty đa quốc gia, cách đây hai năm trở thành một trưởng phòng trẻ nhất trong công ty, rồi lại căng sức ra đối phó với những áp lực mới lớn hơn, “lạ” hơn, những khủng hoảng... lại vượt qua... tôi tiếp tục đặt ra cho mình những mục tiêu mới.

 

Tuy nhiên, những biến cố gần đây khiến tôi chiêm nghiệm lại cuộc đời và tương lai, chợt cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng, thiếu thốn và hết sức hoang mang khi nhận ra mình hoàn toàn không có đam mê với nghề thời thượng mà mình đang làm này.

 

“Bạn có thật sự đam mê công việc hiện tại? Có can đảm hi sinh những cơ hội khác tốt hơn đến với bạn không?” - tôi đã từng tự hỏi mình như vậy. Bản thân tôi đã chọn một trường thời thượng khi vào ĐH, một nghề thời thượng khi bắt đầu đi làm mà không hề nghiêm túc đặt câu hỏi trên đối với chính mình. Nhiều bạn bè tôi cũng vậy. Thiển nghĩ đó là lý do vì sao chỉ có rất ít người thành đạt trong cuộc sống, bởi vì chỉ có những người vào đời với niềm đam mê của mình mới có khả năng thành đạt cao và trụ được bền lâu với thành quả của họ.

 

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này tôi thấy tuổi thơ đóng vai trò rất quan trọng, những gì ta yêu thích làm khi còn nhỏ có thể là điềm chỉ tương lai. Trẻ con (từ bé đến tuổi thiếu niên) không ngại bộc lộ đam mê của chúng và quan trọng là chúng chưa biết sợ thất bại (như người lớn).

 

Do đó các bậc cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện đam mê của trẻ và tạo điều kiện phát triển chúng. Vậy mà đa số cha mẹ lại ngăn cản, cấm đoán, thậm chí chế giễu hoặc muốn trẻ theo một nghề họ thích.

 

Einstein bắt đầu nhận ra sự kỳ thú của thế giới vật lý khi được bố tặng một cái la bàn. Henry Ford bắt đầu đam mê cơ học và máy móc khi được bố tặng một cái đồng hồ (đến nỗi cậu bé trở thành thợ sửa đồng hồ nổi tiếng trong làng)... Những người khác may mắn hơn được cha mẹ cho theo đến sở làm từ nhỏ để quan sát xem bé có thích công việc của bố mẹ đang làm không, rồi từ từ định hướng con.

 

Do đó ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ hãy cố gắng hạn chế nói “không” với những đòi hỏi chính đáng của con cái. Mỗi buổi tối hãy tự hỏi ngày hôm nay đã mấy lần mình nói “không” một cách bất hợp lý với con.

 

Còn đối với các bạn trẻ đang phân vân trong việc định hướng nghề nghiệp, hãy thử nhớ lại thời thơ ấu, thiếu niên những việc gì mình đã yêu thích làm và đã làm rất tốt, cho dù nghe có vẻ trẻ con đến đâu (lưu ý phải đạt cả hai điều kiện nhé, nếu thích mà làm không tốt thì có thể bạn không có khả năng). Hãy cố nhớ lại mỗi việc trong từng giai đoạn, ví dụ khi còn tuổi mẫu giáo, học cấp I, cấp II, cấp III, đại học...

 

Nếu không nhớ rõ có thể hỏi người lớn. Rồi bạn sẽ nhận ra đó chính là “tiếng lòng” của bạn. Hãy sống với niềm đam mê đó. Ngoài ra, khi đã biết mình thích gì, hãy hỏi thêm ý kiến của những người thành đạt mà bạn mến mộ. Đừng quá bận tâm đến những nghề thời thượng, những ngăn trở bên ngoài... Hãy tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

 

Tôi nhớ có một câu nói: “Thành quả của thành đạt không phải là tiền bạc danh vọng bạn kiếm được, mà là chính con người bạn trở thành”. Hãy nghiêm túc với định hướng của mình và đừng quyết định chọn nghề theo cách tôi đã làm.

 

Phạm Nguyên (Tuổi trẻ Online)

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]