Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Học phí đại học sẽ tăng hơn 3 lần?

Hôm qua 29.11, Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo bàn về việc đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Các chính sách về đầu tư và học phí đã được đưa ra xem xét với rất nhiều kiến nghị cần tăng học phí GDĐH.

 

Học phí thấp, chất lượng thấp?

 

Tại hội thảo, đa số ý kiến của các đại biểu đều cho rằng một nguyên nhân dẫn đến chất lượng GDĐH thấp là do mức học phí thấp. Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, cho biết hiện nay học phí mới đáp ứng một phần chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ đào tạo ĐH, nên chưa tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng. Việc duy trì mức học phí thấp dẫn đến phần lớn các cơ sở đào tạo công lập không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng. Do bị khống chế về trần học phí nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở GDĐH công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô sinh viên (SV), mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo… nhưng việc mở rộng quy mô không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường nên đã làm giảm chất lượng đào tạo.

 

Điều đáng lưu ý là việc tăng quy mô đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến suất đầu tư cho một SV của nhà nước. Ông Giang ví dụ: theo tốc độ tăng bình quân của ngân sách nhà nước cho GDĐH năm 2010 là 7,15 triệu đồng/SV/năm, nhưng thực tế phần lớn các cơ sở GDĐH công lập đều không đảm bảo mức phân bổ này. Có những trường chỉ đầu tư khoảng 3 triệu đồng/SV/năm. Nguyên nhân là muốn tăng nguồn thu, các trường càng mở rộng quy mô thì định mức phân bổ chi ngân sách nhà nước tính trên 1 SV ngày càng giảm… Ông Giang nói: “Chúng ta luôn yêu cầu các trường phải nâng cao chất lượng, nhưng chúng ta giữ nguyên mức trần học phí trên 10 năm không thay đổi, trong khi mọi chi phí trong thời gian đó đều tăng cao thì rất khó để cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi suất đầu tư trên 1 SV thì không tăng, thậm chí lại còn giảm”.

 

Đầu tư ngược cho người giàu

 

Nhận định về chính sách học phí hiện nay, Giáo sư Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng: “Chính sách học phí thấp thường lại làm cho mất công bằng xã hội nhiều hơn. Ví dụ, chi phí đơn vị (suất đầu tư cho 1 SV - PV) là 10 triệu đồng, học phí là 3 triệu đồng thì ngân sách nhà nước là 7 triệu đồng. Nhưng ở GDĐH, tỷ lệ SV thuộc tầng lớp trên (nhà giàu) chiếm phần lớn, nên tiền trợ cấp trong đó chủ yếu lại chạy vào các tầng lớp dân cư giàu có”. 

 

Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang cũng đồng ý với quan điểm này. Ông nói: “Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo được áp dụng đồng đều cho tất cả SV nhập học, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người học được thực hiện mang tính chất bình quân, cào bằng đối với tất cả SV, không có sự phân biệt giữa SV thuộc gia đình nghèo với SV thuộc gia đình trung lưu. Trong khi đó, thực tế cho thấy tỷ lệ SV của các gia đình trung lưu chiếm đa số trong các cơ sở GDĐH. Điều này dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp của chúng ta đang trợ cấp ngược cho nhà giàu!”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: con nhà giàu học giỏi cũng cần phải được xã hội quan tâm chăm sóc và khích lệ.

 

Học phí sẽ phải tăng lên hơn 3 lần

 

Hầu hết các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng mức học phí cần phải tăng lên để “tính đủ” cho chi phí đào tạo. TS Nguyễn Trường Giang nói: “Đối với GDĐH, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế về GDĐH. Học ĐH để có nghề, tạo thu nhập kiếm sống nuôi bản thân và gia đình nên người học phải đóng đủ học phí”. Nhiều chuyên gia GDĐH cũng có chung quan điểm này. Theo tính toán của GS Phạm Phụ thì phải tăng hơn 3 lần so với mức học phí hiện nay mới đảm bảo chi phí đào tạo.

 

Để đảm bảo công bằng, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cần có sự thay đổi. Theo báo cáo của nhóm tư vấn chính sách và nhóm nghiên cứu Vụ Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, cần phải đổi mới cơ cấu đầu tư từ ngân sách nhà nước. Từng bước giảm dần chi ngân sách cho bộ máy và hoạt động thường xuyên của các trường, tiến tới các trường tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cơ sở vật chất và đối tượng SV diện chính sách, SV cử tuyển, đào tạo một số chuyên ngành theo đặt hàng của nhà nước.

 

Kết luận hội thảo, GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã đồng tình với những giải pháp đổi mới cơ chế tài chính mà các đại biểu đề xuất. Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: “Sẽ điều chỉnh mức thu học phí theo tinh thần Nghị định 43 là nhà nước hỗ trợ đối tượng chính sách, nâng cao hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho người học”.

 

Xin được tự xác định mức thu học phí

GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, kiến nghị: “Để thực hiện được chính sách xã hội hóa giáo dục, đồng thời đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, trường đề nghị nhà nước cho phép được tự xác định mức học phí như trường ĐH thuộc doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến này được nhóm tư vấn chính sách của Bộ Tài chính đồng tình.

 

Vũ Thơ

30/11/2011 – thanhnien.com.vn

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]