Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung: Thí sinh cần cẩn trọng

13/10/2022

Tính đến ngày 12.10 có nhiều trường ĐH tiếp tục công bố điểm chuẩn và tuyển sinh bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.

Các trường ĐH top giữa, top cuối lo lắng nguồn tuyển sinh

Cho đến nay, nhiều trường ĐH, thậm chí Cao đẳng trên cả nước đã thực hiện xong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng, nhiều trường đã khai giảng, tiếp nhận sinh viên mới. Tuy nhiên theo báo cáo nhanh từ Bộ GD-ĐT, nhiều trường vẫn khó khăn trong việc tuyển sinh, thậm chí nhiều trường có số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn với chỉ tiêu đề ra. Theo thống kê, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ở các trường ĐH mới chỉ được 2/3 hồ sơ so với yêu cầu đề ra vì số lượng hồ sơ "ảo" rất nhiều nên nhiều trường vẫn còn hàng trăm chỉ tiêu bổ sung chờ đợi thí sinh đến nộp hồ sơ bổ sung.

Năm nay không phải là năm đầu tiên diễn ra tình trạng các trường đại học, cao đẳng thiếu thí sinh nhập học. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc thiếu nguồn tuyển đang không chỉ diễn ra ở những trường đại học, cao đẳng top dưới, trường ngoài công lập mà năm nay, nhiều trường top giữa hay những trường từ lâu không phải lo lắng về nguồn tuyển thì cũng đang phải đối mặt với bài toán tìm kiếm thí sinh vào học. Đơn cử như ĐH sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Học viện An ninh nhân dân... vẫn tuyển bổ sung hàng chục chỉ tiêu ở các khoa.

Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng sau khi Bộ GD-ĐT lọc ảo cho kết quả cuối cùng thì số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn với chỉ tiêu tương ứng của ngành mà trường đã công bố. Hơn nữa sau một thời gian dài cho các thí sinh xác nhận nhập học trong hệ thống của bộ, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định nhập học hoặc không biết rõ quy định này.

Kỳ tuyển sinh đại học năm nay tỉ lệ ảo vẫn rất cao, trong khi đó, tại các cuộc họp trước khi lọc ảo, Bộ GD-ĐT đều khẳng định, tỉ lệ ảo năm nay sẽ thấp, nên các trường không dám gọi tỉ lệ vượt chỉ tiêu nhiều (để trừ hao lượng thí sinh ảo như mọi năm) vì sợ bị phạt. Năm nay tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ GD-ĐT lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Điều này vô tình dẫn đến việc các trường đưa mức điểm cao nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối. Riêng các trường tuyển sinh không tốt ở những năm trước thì năm nay càng khó khăn hơn là điều tất yếu.

Một mùa tuyển sinh 2022 đã qua đi

Thời điểm này, các trường ĐH đã hoàn tất công việc đón thí sinh trúng tuyển đợt 1. Tuy nhiên, với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng chưa đúng như nguyện vọng, các em vẫn còn cơ hội khi nhiều trường đại học đã phát thông báo xét tuyển bổ sung ở nhiều ngành học. Đây được xem là cơ hội “vàng” cho thí sinh chưa trúng tuyển. Để không bỏ lỡ cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh cần cập nhật, theo dõi thông tin mới nhất về xét tuyển của trường mà mình dự định nộp nguyện vọng. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng đào tạo Học viện ngân hàng, các thí sinh cần chú ý đến điểm trúng tuyển đợt 2 các trường công bố. Điểm xét tuyển đợt bổ sung sẽ tùy thuộc vào số lượng hồ sơ và điểm của các thí sinh nộp hồ sơ vào trường. Mặc dù có hàng nghìn chỉ tiêu bổ sung ở nhiều chuyên ngành, nhiều trường ĐH khác nhau song cũng giống như đợt 1, thí sinh cần thực sự hiểu rõ về nguyện vọng, năng lực và điều kiện của bản thân, tránh trường hợp chọn đại một ĐH chỉ vì nghĩ sẽ chắc chắn trúng tuyển. Đặc biệt là ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn ngành, trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung. Vì vậy, thí sinh dự định nộp vào trường nào cần tìm hiểu, tra cứu kỹ thông tin.

Nhìn lại mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đánh giá, về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.

Trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.

Để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, đảm bảo sự công bằng và không gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Dạ Thảo
https://1thegioi.vn/hang-tram-chi-tieu-tuyen-sinh-bo-sung-thi-sinh-can-can-trong-188224.html

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]