Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Đào tạo từ xa và nỗi lo gần

30/08/2017

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 của ngành giáo dục và đào tạo mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo thường xuyên và học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó thì việc đào tạo thường xuyên thông qua loại hình đào tạo từ xa (ĐTTX) là một lựa chọn phù hợp.

Khái niệm ĐTTX đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, loại hình đào tạo này tỏ rõ hiệu quả trong xây dựng xã hội học tập. Với ưu thế khi ứng dụng tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào dạy học, ĐTTX góp phần phá bỏ giới hạn của không gian, thời gian trong đào tạo truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí đào tạo. 

Dù đã và đang thể hiện được sự tiến bộ của mình, song một nghịch lý lại tồn tại khi triển khai mở rộng ĐTTX. Điều dễ thấy nhất là câu chuyện về đầu vào và đầu ra khi mà công tác tuyển sinh đang gặp không ít khó khăn. Tính đến nay, đã có 21 trường đại học trên cả nước có chương trình ĐTTX. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh ngày càng sụt giảm. Nếu như năm 2012, lượng tuyển hơn 161.000 sinh viên thì tính đến tháng 10 năm 2016, con số này giảm hơn một nửa, còn hơn 70.000 sinh viên.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao một loại hình đào tạo hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển lại rơi vào tình trạng ít người lựa chọn? Điều đầu tiên dễ nhận thấy đó là xã hội ta vẫn có tâm lý e ngại, dè dặt khi lựa chọn. Thậm chí, một số cơ quan, địa phương còn đưa ra các quy định phân biệt, hạ thấp giá trị của ĐTTX và các loại hình giáo dục mở; nhiều đơn vị, doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với lao động được ĐTTX.

Khách quan mà nói thì một phần cái nhìn ấy của xã hội là do chính bản thân các cơ sở giáo dục tạo ra. Nhiều trường chưa có nhiều sự đầu tư cho ĐTTX, từ học liệu đến công nghệ dạy học; có cơ sở đào tạo, đơn vị liên kết coi ĐTTX chỉ là một phương thức để tăng thêm thu nhập cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; quá trình đào tạo của một số cơ sở cũng còn bộc lộ bất cập trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, chất lượng đầu ra còn không ít hạn chế...

Hiện nay, nhu cầu đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, cập nhật, mở rộng hiểu biết, nâng cao kiến thức của người dân là rất lớn. Xã hội nói chung và người học nói riêng sẽ dần chuyển hướng từ việc trọng bằng cấp sang việc trọng kiến thức thực sự. Từ đó, xu thế mong muốn học tập theo phương thức ĐTTX cũng sẽ tăng lên. Để đáp ứng điều đó, các cơ sở đào tạo phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại vào dạy học; xây dựng học liệu phù hợp... Bên cạnh đó, việc nắm bắt nhu cầu nhân lực của từng địa phương, làm tốt công tác liên kết đào tạo với các tỉnh, thành phố sẽ góp phần mở rộng quy mô, phạm vi đào tạo, đáp ứng thiết thực nhu cầu của thị trường lao động...  

Trong thời kỳ mới, nhu cầu tự học của người dân ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc thay đổi cách nhìn của xã hội, định ra hướng đi đúng đắn cho ĐTTX sẽ là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần lan tỏa phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

DUY VĂN
Nguồn: qdnd.vn – 30/08/2017

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]