Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Cần đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển

17/04/2023

Tính đến thời điểm này, đã có hàng loạt trường đại học (ĐH) công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Bên cạnh việc các trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh, giảm bớt các phương thức tuyển sinh không hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh thì vẫn còn một số trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, rất dễ gây nhầm lẫn.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần tiếp tục hướng dẫn các trường hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng giữ ổn định, tăng độ tin cậy của hình thức đánh giá, xét tuyển và đảm bảo công bằng đối với thí sinh.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ từng phương thức để tránh nhầm lẫn

Hiện có khoảng 10 phương thức xét tuyển đại học phổ biến được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm 2023. Đó là phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển bằng học bạ THP; xét tuyển bằng kỳ thi riêng của trường hay bài thi đánh giá năng lực của trường; xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên theo quy chế của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh riêng của các trường; xét tuyển kết hợp giữa điểm thi năng khiếu, kỳ thi riêng do cơ sở đào tạo tổ chức với điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT; kết hợp kết quả chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT…

Năm 2023, các trường CAND tiếp tục xét tuyển theo 3 phương thức là tuyển thẳng học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, học sinh đạt giải cao các cuộc thi khoa học kỹ thuật theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế kết hợp với học lực ở bậc THPT; xét tuyển kết quả bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức xét tuyển này thuận lợi, không gây rối cho thí sinh mà vẫn đảm bảo tuyển chọn được đầu vào phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo của lực lượng CAND, được thí sinh và dư luận xã hội đánh giá cao.

Một số trường đại học lớn cũng giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2022. Trong đó, ĐH Kinh tế quốc dân sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như năm 2022 gồm: Xét tuyển tài năng (xét tuyển thẳng); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Một số trường như ĐH Phenikaa cũng đã điều chỉnh giảm số lượng phương thức xét tuyển từ 5 phương thức của năm 2022 xuống còn 3 phương thức trong năm 2023 gồm xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT. Tuy vậy, vẫn có một số trường ĐH vẫn sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh. Đơn cử như Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội có tới 11 phương thức xét tuyển. Trong đó, ngoài các phương thức xét tuyển cơ bản, trường này còn sử dụng thêm các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học; xét tuyển sinh viên quốc tế; xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh cho các tài năng thể thao. Trường ĐH Thương mại cũng sử dụng 8 phương thức xét tuyển.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh, tuy nhiên, điều này cũng sẽ dễ gây rối rắm, nhầm lẫn. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường được công bố trên website chính thức để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.

Loại bỏ bớt các phương thức xét tuyển không hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, nhiều cơ sở đào tạo đã đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển “gây nhiễu”; còn hiện tượng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập hệ thống nộp lệ phí trực tuyến, giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội. Trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022, có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng và có tỉ lệ thí sinh nhập học dưới 1%. Đơn cử như phương thức xét tuyển qua phỏng vấn, chiếm 0,00%, tức là không có thí sinh nào nhập học; phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn để xét tuyển chiếm tỷ lệ 0,01%; phương thức chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển chiếm tỷ lệ 0,13%; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển chiếm tỷ lệ 0,25%...

Thông tin thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Để tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình tuyển sinh; tiếp tục nâng cấp hệ thống xét tuyển chung bằng cách áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các đơn vị vi phạm.

 Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, từ nay đến thời điểm thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục hướng dẫn các trường hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa và đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng thí sinh, giữa các phương thức tuyển sinh. Các trường cũng cần rà soát phương thức xét tuyển, trên cơ sở đó, loại bỏ phương thức “gây nhiễu” hệ thống và gây phức tạp, rối rắm cho thí sinh.

Phụ huynh hãy tôn trọng con chọn ngành nghề, không nên ép buộc

Sáng 16/4, tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt "Cùng con bước vào tương lai" dành cho phụ huynh. Tham gia chương trình có đại diện Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố.

Tại chương trình tư vấn, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, phụ huynh không thể sống thay con mãi. Hành trình để con thành công và hạnh phúc phải là bước đi, là sự lựa chọn, quyết tâm, ý chí, nghị lực của con. Hiện nay, các con thông minh hơn phụ huynh nghĩ, nên cha mẹ hãy lắng lòng lại để hiểu con em mình hơn, đặc biệt là đặt vào vị trí của con để giảm thiểu sự xung đột, sự khác biệt giữa mình và con cái trong suy nghĩ, trong lựa chọn và trong định hướng giá trị nghề nghiệp.

Ngày nay, sự phân bố lao động trong xã hội ngày càng có sự thay đổi. Có phụ huynh định hướng cho con một nghề ổn định, nghề không quá nhiều thách thức, an toàn tương đối, có sự phát triển bền vững. Nhưng con cái ngày nay muốn trở thành một công dân toàn cầu, muốn mình có sự chuyển dịch trong tư duy, kể cả trong nghề nghiệp, muốn có sự thách thức... Đây chính là điểm lớn nhất tạo ra sự mâu thuẫn trong tư duy giữa cha mẹ và con cái.

"Các bậc phụ huynh hãy tôn trọng con bằng sự đồng cảm về tâm lý chứ không phải là sự ép buộc, càng không phải là sự tính toán từ ý chủ quan của cha mẹ. Bởi vì, cha mẹ hiểu con khá nhiều nhưng chưa chắc đủ để quyết định thay con để con vào đời, con thành công và hạnh phúc”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), ngành nào trường nào mà con thích nhất thì nên ưu tiên hàng đầu để chọn nguyện vọng. Tất cả đều tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh đăng ký, việc khó là các trường đang gánh chứ không phải thí sinh nên phụ huynh yên tâm trong việc xét tuyển nguyện vọng của con.

Nguyễn Cảnh

Huyền Thanh
https://cand.com.vn/giao-duc/can-dam-bao-cong-bang-giua-cac-phuong-thuc-xet-tuyen-i690281/

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]