Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Bi kịch của cuộc khủng hoảng trường tư

27/02/2013

 

Thực trạng không tuyển được người học, đóng cửa ngành học, giải thể, sáp nhập, bán trường... của nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp ngoài công lập đang là lời cảnh báo chung cho sự nở rộ chưa gắn với chất lượng của các trường.

 

Chợ trường mua và bán

 

Là trường hoạt động theo mô hình xã hội hoá đầu tiên tại Đăk Lăk, ngay sau Tết Quý Tỵ, Trường Trung cấp chuyên nghiệp tư thục Công nghệ Trường Sơn đã phải đăng thông báo bán trường để lấy tiền… trả nợ.

 

Nguyên nhân được xác định do nhiều năm trường không thể tuyển đủ người học, mặt bằng xây trường thuê quá cao, nợ ngân hàng ngày càng lớn, trường không đủ sức để duy trì. Ông Nguyễn Viết Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, hiện trường còn khoảng 300 học viên và 13 cán bộ công nhân viên đang làm việc và học tập. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường khoảng hơn 400 nhưng số lượng tuyển được mỗi năm chỉ vài chục...

 

Trước đó, cuối năm 2012, Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM cũng phải thương thảo để chuyển đổi nhà đầu tư nhằm cứu trường thoát khỏi nguy cơ phải bán với giá 75 tỷ đồng (giá trị thật là 314 tỷ đồng). Nguyên nhân là do trường không đảm bảo được chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất quá yếu kém, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao. Năm 2012, trường này đã bị Bộ GDĐT đình chỉ tuyển sinh.

 

Không thể tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo là nguy cơ tan rã lớn nhất của hầu hết các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Riêng mùa tuyển sinh năm 2012, có rất nhiều trường tư chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, cá biệt có một số trường có tỷ lệ tuyển sinh được rất thấp như: ĐH Lương Thế Vinh không tuyển được thí sinh nào, CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi tuyển được 0,64% chỉ tiêu; ĐH Công nghệ Đông Á 5,2%; ĐH Chu Văn An 15,5%...

 

Làm sao để cứu trường?

 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Bi kịch của cuộc khủng hoảng trường tư là hệ quả tất yếu của việc Bộ GDĐT cho thành lập trường một các ồ ạt, dễ dãi, trong khi các trường hoạt động chỉ vì lợi nhuận mà ít quan tâm đến chất lượng đào tạo. Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – ông Phạm Tất Dong cho rằng: “Trường học trước hết phải đảm bảo được mục tiêu đào tạo của Nhà nước. Vì vậy, khi đặt bút quyết định cho mở trường cần có sự thẩm định thực tế, nếu chỉ dựa trên giấy tờ thì cơ quan chủ quản dễ bị các trường “qua mặt”.

 

Cũng theo ông Dong: “Trường học, kể cả trường tư hoạt động vì lợi nhuận cũng không thể giống như một doanh nghiệp, một cửa hàng kinh doanh được. Doanh nghiệp nếu phá sản, thiệt hại chỉ mang tính nội bộ, trường học mà giải thể còn ảnh hưởng lớn đến xã hội, trực tiếp là học sinh và gia đình họ… ”.

 

Ông Dong cũng cho rằng, nên xét lại loại hình trường ngoài công lập đang tồn tại đã phù hợp chưa? Với những trường được mở, Bộ GDĐT phải có trách nhiệm hỗ trợ bởi các trường này cũng đào tạo nguồn nhân lực cho nhà nước chứ không phải đào tạo cho riêng họ.

 

Cùng quan điểm, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ngành GDĐT cần tìm ra giải pháp để các trường phát triển đúng hướng nhằm đảm bảo quy mô, ưu tiên đảm bảo chất lượng chứ không thể vì cứu các trường mà hy sinh chất lượng bằng cách hạ chuẩn đầu vào.

 

Bộ GDĐT đang soạn thảo nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, trong đó các trường ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đào tạo giáo viên, đất đai, thuế… Các trường đi theo con đường lợi nhuận sẽ phải đóng thuế như doanh nghiệp.

 

Nguyễn Thiêm

Nguồn: danviet.vn

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]