Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Vẫn còn cửa cho học sinh rớt lớp 10 công lập

12/07/2015

“Có 12.811 học sinh rớt lớp 10 công lập trong kỳ thi năm 2015” - ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều con đường học tập khác đang chờ những học sinh này...

Theo ông Đạt, các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện đang tuyển 12.050 chỉ tiêu đào tạo nghề dành cho học sinh mới tốt nghiệp THCS; các trường THPT dân lập, tư thục sẽ tuyển 20.113 học sinh lớp 10; các trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển 8.580 học sinh.

Tổng cộng chỉ tiêu tuyển của các hệ này là 40.743 chỉ tiêu, dư chỗ để đón tất cả học sinh rớt lớp 10 vào học.

Hãy nghe tư vấn

“Rớt lớp 10 - chắc chắn các em sẽ rất buồn và có phần hoang mang. Thời điểm này, các em hãy quay về trường THCS nơi mình đã học lớp 9 hoặc liên hệ điện thoại với giáo viên chủ nhiệm để được tư vấn, giúp đỡ” - ông Nguyễn Tiến Đạt đưa ra lời khuyên.

Ông Luyện Sỹ Ninh, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Q.Tân Phú, thông tin:

“Sau khi có điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, các trường THCS trên địa bàn quận sẽ nắm lại danh sách học sinh bị rớt khỏi ba nguyện vọng vào lớp 10.

Giáo viên của trung tâm chúng tôi sẽ cùng với nhà trường THCS mời học sinh và phụ huynh lên trường để định hướng, tư vấn, giúp học sinh chọn một trong các con đường học tập tiếp theo”.

Tương tự, “Ở Q.9, Phòng GD-ĐT quận cũng đang xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức một buổi tư vấn chung cho tất cả phụ huynh, học sinh rớt lớp 10 trong năm nay. Dự kiến chúng tôi sẽ mời đại diện Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận và một số trường THPT dân lập, tư thục có trụ sở trên địa bàn Q.9 để họ trực tiếp giải đáp những thắc mắc của phụ huynh” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trưởng Phòng GD-ĐT Q.9, cho biết.

Đừng chạy theo phong trào

Trong những hội nghị, hội thảo về công tác phân luồng học sinh sau THCS, ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã không ít lần kể câu chuyện:

“Chương trình học và phương pháp học của bậc THPT khác hẳn so với bậc THCS. Tôi đã từng chứng kiến một số em đạt học lực trung bình năm lớp 9, thi đậu vào lớp 10 công lập nhưng em không theo kịp chương trình lớp 10.

Mất tự tin - chán nản - mặc cảm với bạn bè, lực học của em ngày càng sa sút. Có em bỏ dở chương trình THPT từ cuối năm lớp 10, có em ráng được đến giữa năm lớp 11 một cách chật vật... Điều đặc biệt là nhiều em trong số đó khi được động viên chuyển sang học nghề thì lại học rất tốt.

Có em sau khi tốt nghiệp trường nghề đã xin được việc làm ngay với thu nhập ổn định. Từ đó có thể kết luận rằng nhiều em không có tư duy để học văn hóa ở bậc cao hơn, nhưng em lại có tư duy học nghề và dễ dàng thành công nếu chọn đúng con đường học tập”.

Theo các giáo viên lớp 9 ở TP.HCM, phụ huynh, học sinh thường mang tâm lý mặc cảm khi con em mình học trường nghề. Vì thế họ cố gắng nhồi nhét để con em mình học tiếp văn hóa ở bậc THPT.

Các học sinh cũng chạy theo phong trào, phải học tiếp lớp 10 mới oai, học nghề thì... quê lắm. Nhiều học sinh đã phải trả giá bằng thời gian, công sức, tiền bạc của bố mẹ trong suốt ba năm trời mới rút ra được kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình.

Không những vậy, theo các giáo viên, đối với những em có điểm tuyển sinh lớp 10 quá thấp - dù có đậu được vào lớp 10 công lập ở vùng ven, ngoại thành thì các em cũng nên suy xét lại về khả năng học văn hóa của mình.

Nhất là những em không có khả năng tự học hoặc thiếu phương pháp học tập thì chỉ có thể học trường THPT dân lập, tư thục (nếu vẫn kiên định theo con đường học văn hóa) mới có thể tiến bộ. Bởi ở trường tư, họ có đội ngũ quản nhiệm, có giáo viên kèm cặp, nhắc nhở rất sát sao đối với từng học sinh. Còn nếu chọn con đường học nghề thì cũng cần sự chăm chỉ mới thành công được.

Được biết, học sinh học hết lớp 9 nếu đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp trong vòng ba năm sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ được giảm 50% học phí trong suốt quá trình học tập ở trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập.

Học nghề rất có lợi

“Nếu phải làm một phép tính để so sánh thiệt hơn, sẽ thấy ngay việc học nghề rất kinh tế đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi học 3,5 năm ở trường trung cấp chuyên nghiệp, tốt nghiệp rồi, học sinh có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình, hoặc đăng ký thi tuyển vào đại học như những học sinh lớp 12 bình thường ở trường THPT.

Còn đi theo con đường học THPT, nếu không có khả năng học tập tốt, học sinh sẽ rất khó đậu vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT (thậm chí có học sinh còn không thể đậu tốt nghiệp THPT).

Trên thực tế, có học sinh vật vã, khổ sở với ba năm học bậc THPT nhưng sau đó vẫn phải chọn học nghề vì không thể đậu đại học”.

Ông Phạm Ngọc Thanh (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

HOÀNG HƯƠNG
Nguồn: tuoitre.vn

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang