Nguồn nhân lực CNTT và Truyền thông có còn thiếu?
11/03/2015
Theo Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về Công nghệ Thông tin và truyền thông” đã được Chính Phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó, đến năm 2015 nhu cầu nguồn nhân lưc phục vụ phát triển các doanh nghiệp là khoảng 125.000 người có trình độ đại học cao đẳng.
Như vậy, vai trò của các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực cho CNTT có giá trị then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển CNTT hiệu quả phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 2/3 số trường đại học (trong số 400 trường) có đào tạo ngành này đáp ứng được hơn 60% nhu cầu. Từ thực tiễn đó, hiện nay, khá nhiều trường Đại học mở ngành đào tạo CNTT, trong đó một số trường đã và đang đào tạo ngành CNTT bằng “nghề” tay trái. Cụ thể nhiểu trường vốn là trường có uy tín, thế mạnh về kinh tế, về các ngành xã hội, ngôn ngữ, nhưng trước sức hút nguồn nhân lực về công nghệ nên cũng “nhảy” ra đào tạo về công nghệ với “niềm tin” là uy tín, vị thế của trường sẽ hút được thí sinh.
Hiện cũng chưa có con số thống kê chính xác là các sinh viên học công nghệ của các trường đào tạo CNTT bằng “nghề tay trái” này có dễ xin việc không, có việc làm đúng ngành, đúng nghề không nhưng một cách khách quan nhất có thể thấy nghề “tay trái” không thể chất lượng như nghề “tay phải” được.
Quay trở lại với các trường công nghệ, theo thống kê của một số trường Đại học tốp 1 về công nghệ như Đại học Bách Khoa, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thì số sinh viên làm đúng ngành, đúng nghề chiếm tỷ lệ rất cao (trên 90%), nhiều sinh viên đã có việc làm ngay từ năm thứ 3 và sau khi ra trường một vài năm đã có doanh nghiệp riêng.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, sinh viên ICT ra trường phần lớn thiếu các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, ... dẫn đến khoảng cách giữa kiến thức của sinh viên với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp khá lớn. Chính vì vậy, các hãng, tập đoàn lớn về Công nghệ có xu thế “đặt hàng” các trường Đại học cung cấp nguồn nhân lực cho mình thông qua các biên bản hợp tác nghiên cứu, đào tạo chiến lược. Nhiều sinh viên của các trường Đại học này đã được các Tập đoàn lớn như Samsung, Viettel, …“hớt” ngay từ năm thứ 2, năm 3.
Theo con số thống kê của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hiện nay tổng số cựu sinh viên đang làm việc tại Tổ hợp Samsung Việt Nam là 420 người, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel là 765 người, MobiFone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam VNPT lên đến hàng ngàn người. Được biết các “ông lớn” về công nghệ này hàng năm vẫn sẽ tiếp tục tuyển thêm hàng ngàn lao động trong những năm tới đây. Riêng Tổ hợp Samsung đã ký Biên bản thỏa thuận với các trường ĐH Công nghệ như ĐH Bách Khoa, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Công nghệ Thái Nguyên … về việc cấp học bổng cho một số Sinh viên của các trường ĐH này và cam kết đảm bảo việc làm tại Tập đoàn Samsung cho các Sinh viên nhận học bổng sau khi tốt nghiệp.
Việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề bức xúc không chỉ đối với bản thân sinh viên mà cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Có một việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước của hầu hết không chỉ đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường mà ngay cả đối với các em còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sẽ là nhân tố quan trọng góp phần giải quyết vấn đề nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên.
QA (ictpress.vn)