Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Ngành ngoại ngữ “teo” dần

Tại rất nhiều trường ĐH, kể cả ĐH địa phương và ĐH vùng, một số ngành ngoại ngữ đang sống dở chết dở vì nhận được quá ít hồ sơ đăng ký dự thi.

Nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi và tỉ lệ “chọi” theo ngành. Theo đó, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít nhất đang rơi vào các ngành học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga…

 

Tỉ lệ “chọi”: 1/0,2

 

Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cũng với chỉ tiêu tuyển là 40 thì ngành song ngữ Nga-Anh chỉ nhận được 24 hồ sơ, ngành sư phạm tiếng Pháp nhận được 37 hồ sơ và ngành sư phạm tiếng Trung nhận được 45 hồ sơ.

 

Các ngành ngoại ngữ ngoài sư phạm cũng rơi vào cảnh bi đát khi nhận được hồ sơ ít ỏi như ngành ngôn ngữ Pháp (tiếng Pháp du lịch, tiếng Pháp biên phiên dịch) chỉ tiêu tuyển 50 nhưng chỉ nhận được 54 hồ sơ; ngôn ngữ Trung Quốc chỉ tiêu tuyển 110 nhưng chỉ nhận được 93 hồ sơ; ngôn ngữ Nhật (tiếng Nhật biên dịch) chỉ tiêu tuyển là 100 nhận được 108 hồ sơ. Thảm hại nhất là ngành ngôn ngữ Nga – Anh chỉ nhận được 8 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 50. Như vậy, tỉ lệ “chọi” các ngành này chỉ ở mức 1/0,2 đến 1/1,1 - thấp nhất so với các ngành khác mà trường đào tạo.

 

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, tỉ lệ “chọi” thấp nhất cũng rơi vào một số ngành ngoại ngữ, như ngữ văn Tây Ban Nha chỉ tiêu tuyển 50 nhưng chỉ nhận được 66 hồ sơ; ngữ văn Đức chỉ tiêu tuyển 40 chỉ nhận được 79 hồ sơ, ngữ văn Pháp chỉ tiêu tuyển 90 chỉ nhận được 149 hồ sơ... 

 

Tại các trường ĐH địa phương, ĐH vùng, một số ngành ngoại ngữ cũng đang trong cảnh sống dở chết dở khi số lượng hồ sơ nhận được quá ít. Tại Trường  ĐH Cần Thơ, ngành tiếng Pháp chỉ nhận được 29 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 35, ngôn ngữ Anh nhận được 86 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 60. Tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, ngành sư phạm tiếng Pháp chỉ nhận được 11 hồ sơ, ngành sư phạm tiếng Trung 26 hồ sơ, cử nhân tiếng Nga nhận được 37 hồ sơ, cử nhân tiếng Thái Lan chỉ nhận được 15 hồ sơ… trong khi chỉ tiêu tuyển của mỗi ngành là 35.

 

Ít cơ hội việc làm đúng chuyên ngành

 

Bà Trịnh Minh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết hiện tại TPHCM chỉ còn có vài trường đào tạo ngành tiếng Trung nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành này của trường không nhiều. Riêng Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ nhận được 96 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 60. Đây là một trong những ngành khó tuyển nhất dù cơ hội việc làm những năm gần đây khả quan khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc đến Việt Nam làm ăn và rất cần nhân sự giỏi tiếng Trung.

 

Theo bà Trịnh Minh Huyền, thí sinh thờ ơ với  một số ngành ngoại ngữ, trong đó có tiếng Trung, bởi ngôn ngữ này rất khó học, khó viết. Khi vào ĐH, sinh viên mới bắt đầu học từ đầu nên nhiều em còn ngại. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh nghĩ rằng học tiếng Anh có cơ hội việc làm nhiều hơn nên không chọn tiếng Trung. Do vậy, việc tuyển đầu vào cho ngành tiếng Trung rất khó, hằng năm trường đều phải tuyển nguyện vọng 2 cho ngành này mới đủ chỉ tiêu.

 

Theo ông Tạ Quang Lâm, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, một số ngành ngoại ngữ ngày càng khó tuyển là do cơ hội việc làm đúng chuyên ngành thực sự còn ít. Ví dụ như ngành tiếng Pháp hiện rất khó tìm được một công việc phù hợp, hầu hết cử nhân tốt nghiệp đều nộp đơn xin vào lĩnh vực du lịch; hay như sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Nga đều nhắm vào ngành dầu khí.

 

Thực tế, liên tiếp những năm gần đây, nhiều trường đã phải đóng cửa một số ngành ngoại ngữ do nhiều năm không tuyển được sinh viên. Hiện nay, chỉ còn một số trường duy trì đào tạo các ngành tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga… và đều trong tình cảnh “chợ chiều”. Theo ông Lâm, việc nhiều ngành ngoại ngữ “teo tóp” dần là một thực tế rất đáng báo động, nguy hơn nữa khi nhiều trường không thể duy trì được các ngành học này. “Xã hội vẫn rất cần những người có trình độ ngoại ngữ. Nếu đào tạo quá ít hoặc không đào tạo nữa thì khi cần biết tuyển ở đâu? ”- ông Lâm nói.

 

Bế tắc đầu ra

Đối với các ngành sư phạm tiếng Trung, Pháp, Nga, việc tuyển sinh rất khó khăn khi đầu ra bế tắc do các trường phổ thông không còn dạy những ngoại ngữ này. “Chúng tôi đã tham gia biên soạn sách giáo khoa cho chương trình dạy ngoại ngữ bậc phổ thông các thứ tiếng trên nhưng chưa thấy Bộ GD-ĐT quyết định các trường phổ thông phải học các thứ tiếng này. Do đó, sinh viên tốt nghiệp không được đi dạy, buộc phải kiếm sống bằng nghề khác. Đây là bất cập lớn khiến cho chúng tôi khó khăn trong việc tuyển sinh một số ngành ngoại ngữ hệ sư phạm” - ông Tạ Quang Lâm cho biết.

Thùy Vinh

18/05/2011 – nld.com.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]