Chương trình đào tạo » Đại học

Ngành Địa lý

Ngành đào tạo:           ĐỊA LÝ (Geography)

Trình độ đào tạo:        Đại học  

Thời gian đào tạo:       4 năm 

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

- Đào tạo cử nhân Địa lý có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

- Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và hiện đại về Địa lý học; Điạ lý nhiệt đới; diễn biến dân cư, tài nguyên, môi trường trên thế giới và ở Việt Nam.

- Giới thiệu các quy luật thành tạo, phát triển và tác động lẫn nhau của các địa quyển, sự phân bố và diễn biến của các dạng tài nguyên, môi trường; trang bị kỹ năng thực hành các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại, tổng hợp và chuyên ngành; kỹ năng thành lập bản đồ các hiện tượng và quá trình tự nhiên, các dạng hoạt động sản xuất; kỹ năng sử dụng các công cụ Viễn thám và Hệ thông tin Địa lý, mô hình hoá và sử dụng các phần mềm chuyên dụng nghiên cứu sự phân hoá lãnh thổ và diễn biến theo thời gian của các đối tượng địa lý ở các quy mô khác nhau.

- Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học theo các chuyên ngành: Sinh thái Cảnh quan và Môi trường, Địa lý tự nhiên, Địa mạo, Địa lý và Môi trường biển, Địa Nhân văn và Kinh tế Sinh thái, Du lịch sinh thái, Bản đồ - Viễn thám; giảng dạy Địa lý tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Trung học phổ thông. Ngoài ra, sinh viên còn có thể đảm nhận công việc trong các lĩnh vực tổ chức và quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên, môi trường và giảm thiểu tai biến thiên nhiên, xây dựng, quản lý và đánh giá các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

 Kiến thức giáo dục đại cương               

1

Triết học Mác-Lênin

10

Đại số tuyến tính và hình học giải tích

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

11

Giải tích 1

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

12

Giải tích 2

4

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam

13

Xác suất-Thống kê

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

14

Vật lý đại cương 1

6

Ngoại ngữ

15

Vật lý đại cương 2

7

Giáo dục Thể chất

16

Thực tập Vật lý đại cương

8

Giáo dục Quốc phòng

17

Hoá học đại cương

9

Tin học cơ sở

 

 

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp       

Kiến thức cơ sở của ngành                                                    

1

Hoá học phân tích

4

Hoá học chất keo

2

Thực tập Hoá học phân tích

5

Sinh học đại cương

3

Hoá học hữu cơ

 

 

Kiến thức ngành                                                                      

1

Địa lý tự nhiên đại cương

7

Địa sinh vật đại cương

2

Địa chất đại cương

8

Cơ sở địa lý nhân văn

3

Khí tượng và khí hậu đại cương

9

Trắc địa đại cương

4

Thuỷ văn đại cương

10

Bản đồ đại cương

5

Địa mạo đại cương

11

Địa lý Việt Nam

6

Cơ sở thổ nhưỡng và địa lý thổ nhưỡng

 

 

Nội dung các học phần bắt buộc (Kiến thức giáo dục chuyên ngành)

Hoá học phân tích

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hoá phân tích, cơ sở lí thuyết chung và các phương pháp định lượng hoá học.

Nội dung chính của học phần gồm: dung dịch chất điện li và cân bằng hoá học, phản ứng axit-bazơ, phản ứng tạo phức, phản ứng kết tủa, phản ứng oxi hóa khử, phương pháp phân tích khối lượng và phương pháp phân tích thể tích, phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, phương pháp chuẩn độ phức chất, phương pháp chuẩn độ kết tủa, phương pháp chuẩn độ  oxi hóa khử, sai số trong phân tích và cách đánh giá.

Một số khái niệm cơ bản ban đầu về phương pháp phân tích công cụ: phương pháp phân tích quang học, điện hoá, phương pháp phân tích sắc kí, sắc kí khí, sắc kí lỏng độ phân giải cao, sắc kí điện di mao quản, phương pháp tách chiết lỏng, chất pha rắn.

Thực tập Hoá học phân tích  

Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.

Nội dung của học phần bao gồm:

- Phương pháp chuẩn bị dung dịch có nồng độ xác định; Phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, chuẩn độ đơn axit- đơn bazơ, chuẩn độ đơn bazơ, đa ba zơ;

- Phương pháp chuẩn độ Complexon xác định các ion kim loại trong dung dịch; Phương pháp đo bạc xác định các ion halogenua; Phương pháp chuẩn độ oxi hóa khử : phương pháp permanganat, phương pháp đicromat, phương pháp iot- thiosunfat, phương pháp bromat.

Hoá học hữu cơ

Học phần trang bị cho sinh viên một số kiến thức cơ sở về hoá hữu cơ liên quan đến các lĩnh vực dầu khí, môi trường và thổ nhưỡng.

Nội dung chủ yếu của học phần gồm: những kiến thức đại cương về hoá hữu cơ (hoá học hữu cơ và chất hữu cơ, cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ, bản chất liên kết hoá học, đồng phân không gian,  các hiệu ứng  và phản ứng hữu cơ, v.v…); hidrocacbon (hidrocacbon no, hidrocacbon không no); dẫn xuất của hidrocacbon (dẫn xuất halogen, hợp chất cơ magiê, Ancohol- Phenol, Anđehit - Xeton, Axít cacboxylic và dẫn xuất, Lipit, Amin).

Hoá học chất keo

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hoá lý các hệ phân tán cao. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: khái quát về đối tượng nghiên cứu của hoá keo, dung dịch keo và phân loại, điều chế dung dịch keo, các hiện tượng bề mặt, tính chất của các hệ keo, các hệ keo trong môi trường tự nhiên.

Sinh học đại cương

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về sinh học để giúp sinh viên học tập các học phần về thiên nhiên. Nội dung chủ yếu của học phần gồm : các kiến thức về tế bào và cơ sở di truyền học, sinh học thực vật, sinh học động vật, nguồn gốc sự sống và các giới sinh vật, quan hệ sinh vật với môi trường.

Địa lý tự nhiên đại cương

Những khái niệm chung về địa lý: những khái niệm địa lý, đối tượng và phương pháp nghiên cứu địa lý tự nhiên, lịch sử phát triển khoa học địa lý, Trái đất trong Vũ trụ; Cấu trúc lớp vỏ địa lý: thạch quyển, địa hình Trái đất, khí quyển, thuỷ quyển, lớp phủ thổ nhưỡng, sinh quyển; Những quy luật địa lý chung của Trái đất: tính hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lý, sự tuần hoàn vật chất và năng lượng, các hiện tượng nhịp điệu, quy luật địa đới và phi địa đới; Địa lý học với vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Địa chất đại cương

Nội dung chính của học phần gồm: Khái niệm chung về địa chất học. Tính chất lý - hoá của trái đất.  Sơ đồ cấu trúc các quyển của trái đất.  Khoáng vật và đá: các  loại đá (đá macma, đá trầm tích, đá biến chất); thực tập về các loại khoáng vật và đá.  Khái niệm cơ bản về cấu trúc địa chất và địa tầng: cơ sở về địa chất cấu tạo; khái niệm cơ bản về địa tầng học và lịch sử địa chất. Hoạt động địa chất nội sinh: magma và hoạt động của macma; động đất và nguyên nhân của động đất. Các học thuyết về sự phát triển của vỏ trái đất. Hoạt động địa chất ngoại sinh: hoạt động địa chất của khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển. Khái niệm cơ bản về hoạt động phong hoá, vỏ phong hóa (các kiểu vỏ phong hóa ở Việt Nam, sự hình thành khoáng sản trong vỏ phong hóa). Các quá trình địa chất ngoại sinh chỉ giới thiệu một cách khái quát vì sau này sẽ được nghiên cứu kĩ hơn trong các giáo trình tương ứng.

Khí tượng và khí hậu đại cương

Nội dung chính của học phần gồm: Khái niệm cơ bản về khí tượng và khí hậu học. Không khí và khí quyển. Bức xạ khí quyển. Chế độ  nhiệt của khí  quyển. Nước trong khí quyển. Trường áp    trường gió. Hoàn  lưu  khí  quyển. Khí hậu và phân vùng khí hậu Trái đất. Biến đổi  khí hậu.

Cùng với các học phần khác của địa lý tự nhiên, học phần này sẽ giúp sinh viên biết phân tích và tổng hợp các kiến thức, các hiện tượng địa lý trên Trái đất và trong từng khu vực nghiên cứu. Sau khi học xong, sinh viên sẽ nắm được những nét cơ bản về khí hậu và khí tượng học.

Thuỷ văn đại cương

Trang bị những kiến thức tổng quát nhất về nước trên trái đất gồm cả nước mặt (sông ngòi, hồ, đầm lầy, đại dương và biển) và nước ngầm, các hiện tượng và các quá trình xẩy ra trong thuỷ quyển, các quy luật chung liên quan với các hiện tượng và quá trình ấy cũng như các mối liên hệ qua lại giữa thuỷ quyển với khí quyển và thạch quyển. Nội dung chính của học phần gồm: Nước trên trái đất và khoa học về nước; Cơ sở vật lý của các hiện tượng và quá trình thủy văn; Những điều kiện khí tượng và ảnh hưởng của chúng tới chế độ nước đất liền; Nước dưới đất; sông ngòi; Hồ; Đầm lầy; Đại dương và biển.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể vận dụng để tiến hành một số nghiên cứu thuộc các lĩnh vực điều tra cơ bản nguồn nước, mô tả địa lý thuỷ văn các đối tượng nước, đánh giá trữ lượng nước của các đối tượng nước cụ thể cũng như tiến hành các nghiên cứu phục vụ công tác phân vùng, quy hoạch bảo vệ và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước của một khu vực.

Địa mạo đại cương

Một số khái niệm cơ bản: khái niệm địa hình, hình thái địa hình, nguồn gốc địa hình, tuổi địa hình, niên biểu địa chất và lịch sử phát triển địa hình; Các nguyên tắc phân loại  địa hình; Các nhân tố thành tạo địa hình; Các quá trình địa mạo và địa hình do chúng tạo thành; Địa hình do nước chảy trên mặt tạo thành;  Hoạt động địa mạo của nước dưới đất; Địa hình cacxtơ; Hiện tượng trượt đất; Hoạt động địa mạo của gió; Địa mạo các miền núi lửa; Địa hình miền núi; Địa hình đồng bằng và cao nguyên; Các quá trình địa mạo và địa hình bờ biển; Khái niệm về bản đồ địa mạo.                       

Cơ sở thổ nhưỡng và địa lý thổ nhưỡng

Học phần gồm những nội dung cơ bản sau:  

Các nhân tố hình thành đất: đá mẹ, khí hậu và thuỷ văn, yếu tố sinh vật, yếu tố địa hình, yếu tố thời gian, hoạt động sản xuất của con người; Các qúa trình hình thành đất và đặc điểm hình thái học của đất; Keo đất và khả năng hấp phụ của đất; Thành phần hoá học trong đất và dung dịch đất; Tính chất vật lý và cơ lý của đất; Nước, không khí và nhiệt trong đất; P

hân loại đất và quy luật phân bố đất trên thế giới (phân loại đất theo phát sinh, phân loại đất của Mỹ (Soil Taxonomy), phân loại đất của FAO-UNESCO, phân loại đất ở Việt Nam); Quy luật phân bố và đặc điểm các loại đất trên thế giới.

Địa sinh vật đại cương

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sinh quyển như: Nguồn gốc và sự phát triển của sự sống; Cấu trúc của sinh quyển; Môi trường và các nhân tố sinh thái trong sinh quyển; Môi trường địa lý và tính đa dạng sinh học; Sự phân bố sinh vật và sự hình thành quần xã; Vận động vật chất và tính động thái của quần xã sinh vật trong sinh quyển ở Việt Nam.  

Với những kiến thức như trên, sinh viên sẽ nắm được mối quan hệ giữa sinh vật với môi trường địa lý cũng như cơ chế hình thành tài nguyên sinh vật trên một lãnh thổ nhất định. Đó là cơ sở cho việc sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Cơ sở địa lý nhân văn

Học phần bao gồm những nội dung về lĩnh vực địa lý nhân văn như:  Dân tộc - Dân cư và định cư (điều kiện địa lý và sinh thái lãnh thổ với phân bố dân tộc và chủng tộc; dân cư và không gian phân bố; vấn đề định cư và an cư). Di cư  (nguyên nhân di cư; thuộc tính cơ bản của cộng đồng và cá nhân di cư; không gian  nhập cư và sinh thái tộc người; thăm dò không gian di cư và quy hoạch tái định cư; tái định cư và sự phát triển cộng đồng). Văn hoá - Văn hoá dân gian (Folk) và văn hoá công cộng. Ngôn ngữ và địa lý. Địa lý tôn giáo. Vấn đề địa lý kinh tế. Địa lý chính trị. Đô thị hoá, đô thị nông thôn và địa lý học.  Chiến lược phát triển lâu bền trên cơ sở địa lý.

Trắc địa đại cương

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về bản đồ địa hình và đo đạc đại cương như: đo vẽ địa hình, sai số trong đo đạc; các nguyên lý và phương pháp đo góc, độ dài, độ cao; lưới khống chế đo vẽ bản đồ và phương pháp đo vẽ bản đồ; khái niệm về đo vẽ địa hình bằng ảnh hàng không; bản đồ địa hình; sử dụng bản đồ địa hình.

Sau khi học xong, sinh viên biết sử dụng thành thạo và khai thác các thông tin trên bản đồ địa hình, có hiểu biết cơ bản về quá trình đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình và biết sử dụng một số thiết bị trắc địa phổ thông.

Bản đồ đại cương

Học phần cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về bản đồ học như: những vấn đề chung  của bản đồ học; cơ sở toán học của bản đồ; ngôn ngữ bản đồ và phương pháp thể hiện nội dung trên bản đồ; tổng quát hoá bản đồ; chú giải bản đồ và các phương pháp thành lập bản đồ; tập bản đồ (Atlas); các phương pháp phân tích, đánh giá bản đồ; ứng dụng bản đồ trong nghiên cứu địa lý; bản đồ hiện đại: khái niệm về bản đồ điện tử, so sánh giữa bản đồ điện tử và bản đồ truyền thống, khái niệm về Atlas điện tử.

Địa lý Việt Nam

Học phần cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về địa lý Việt Nam bao gồm cả địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế – xã hội như: đặc điểm chung của thiên nhiên Việt Nam; các hợp phần tự nhiên Việt Nam; cấu trúc địa chất và khoáng sản; địa hình, khí hậu, thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng, sinh vật, đặc điểm và quy luật phân hoá của thiên nhiên Việt Nam, khái quát các miền địa lý tự nhiên; địa lý dân cư Việt Nam; địa lý các ngành kinh tế; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường Việt Nam.

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]