Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Mở ngành mới: Cân đối bài toán tuyển sinh với nhu cầu nhân lực

08/12/2021

Chưa hết năm 2021 nhưng khá nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm học 2022 - 2023.

Cũng như vài năm trở lại đây, nhiều ngành học mới được các trường mở cho mùa tuyển sinh tới. Việc các trường mở thêm ngành để lo bài toán chỉ tiêu tuyển sinh là cần thiết trong bối cảnh tự chủ đại học, nhưng cũng cần cân đối với nhu cầu nhân lực.

Nhiều trường mở ngành mới

Những năm gần đây, bên cạnh việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành chủ lực (ngành tuyển được), nhiều trường đại học khi công bố phương thức tuyển sinh đã đồng thời công bố thêm vài ngành học mở mới. Đa số các ngành mới mở được xem là “hot” trong tuyển sinh. Và trường thường xuyên mở ngành mới phần nhiều ở nhóm trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính.

Mùa tuyển sinh cho năm học 2022 - 2023 không ngoại lệ. Trường ĐH Gia Định (GDU) dự kiến mở mới và tuyển sinh 5 ngành học (chương trình tài năng) gồm: Ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế. Việc mở thêm 5 ngành mới này, theo ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhóm ngành nghề này trong 3 năm tới.

“Qua nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy sự phát triển và nhu cầu thị trường lao động của những ngành nghề này rất cao sau 3 năm tới. Đây là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề, ngoại ngữ… Vì vậy, nhà trường quyết định mở thêm chương trình đào tạo tài năng cho nhóm ngành này”, ThS Trịnh Hữu Chung nói.

Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen dự kiến mở thêm một loạt ngành học mới như Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo… Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng dự kiến mở và tuyển sinh ngành học mới là Dược học (chưa công bố đề án tuyển sinh).

Trước đó, năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Thủy lợi cũng gây chú ý khi mở mới và tuyển sinh các ngành học mới như: Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Kinh tế xây dựng, Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc các trường sớm công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm học 2022 - 2023 được xem là hướng đi đúng, chủ động thông tin sớm về các thay đổi, nhất là việc mở mới ngành đào tạo, giúp thí sinh sớm tiếp cận thông tin, dự liệu các phương án xét tuyển.

Chờ chiến lược quy hoạch nhân lực tầm quốc gia

Việc mở mới ngành đào tạo trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, tự chủ ĐH ngày một mở rộng là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, đáng e ngại là một số trường cấp tập chạy theo xu hướng và chỉ tiêu tuyển sinh mang tính thời điểm.

Ông T.M.K - chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh có kinh nghiệm 20 năm - cho rằng, một trường đại học, nhất là trường thuộc khối tư thục cứ mỗi mùa tuyển sinh lại “nở nồi” thêm đến 3 - 4 ngành học mới, thậm chí là 5 ngành, mang lại cảm giác âu lo cho ông hơn là vui mừng.

“Việc mở ngành học của các trường này chủ yếu là đón bắt xu hướng và nhu cầu của phụ huynh, thí sinh hơn là gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương và vùng. Thực tế, đại học đa ngành đang là xu hướng được phần lớn các đại học tại Việt Nam lựa chọn và theo đuổi. Xu hướng trên giúp các trường dễ dàng giảm tải áp lực chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khi mở mới ngành có nhu cầu “hot” và đóng lại những ngành không còn người học.

Tuy nhiên, về lâu về dài chính sách tuyển sinh và đào tạo nặng theo tính thời vụ và thỏa mãn nhu cầu của người học mà bỏ quên các thống kê và tính toán về nhu cầu nhân lực ở tương lai, sẽ để lại những gánh nặng và áp lực cho xã hội khi phải giải quyết bài toán thừa nhân lực”, ông K nói.

Nhìn nhận thực tế trên, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - cho rằng: Khi mở ngành học mới các trường đều phải có sự tính toán rất kỹ về đội ngũ, cơ sở vật chất và cả nguồn tuyển rồi mới lên kế hoạch mở. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít nơi việc mở ngành vẫn chạy theo nhu cầu và chỉ tiêu của đơn vị đầu tư đưa ra.

“Đây cũng là áp lực chung của các trường đại học tư thục, thậm chí là tự chủ tài chính khi phải đảm bảo tốt nhất nguyên tắc cân đối thu - chi cho các hoạt động của nhà trường. Việc mở ngành mới là xu thế và nhu cầu, nếu đơn vị nào xác định rõ mục tiêu mở ngành mới là vì quyền lợi của thí sinh và đáp ứng nhu cầu cho nguồn nhân lực trong tương lai, ngành học đó sẽ phát triển và ổn định.

Thực tế, nhóm ngành nghề đào tạo thay đổi không ngừng nghỉ để phù hợp với sự phát triển và vận động của xã hội. Nhóm ngành này hôm nay có thể là “hot”, là sự lựa chọn lớn trong chính sách tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng vài năm sau, ngành đó có thể không còn thịnh, thậm chí là bão hòa… và không còn nhu cầu tuyển dụng”, ông Sơn nói.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thì cho rằng nhu cầu mở ngành mới của các trường là bản chất “hai mặt của một vấn đề”. Các trường không mở ngành học mới phù hợp với bối cảnh kinh tế và sự phát triển của xã hội thì không tròn vai của một đơn vị đào tạo nhân lực. Nhưng vì ngành “hot”, ngành đang có sức hút lớn với thí sinh mà bất chấp mở ngành dù nó nghịch với thế mạnh đặc thù đào tạo của mình thì rất nguy hiểm.

“Điều mà các trường mong muốn hiện nay chính là cần chiến lược quy hoạch nhân lực các ngành nghề của nền kinh tế theo giai đoạn mang tầm quốc gia. Các trường mở ngành, tuyển sinh và đào tạo hiện nay thực tế vẫn dựa trên những khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu chính sách dự báo nhân lực mang tầm chiến lược quốc gia, khiến một số  trường mãi loay hoay và chạy theo bài toán tuyển sinh của chính mình”, TS Lý nhìn nhận.

Anh Tú
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/mo-nganh-moi-can-doi-bai-toan-tuyen-sinh-voi-nhu-cau-nhan-luc-WVSYOc2ng.html

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]