Gỡ khó cho Chương trình tiên tiến
10/04/2012
Sau 5 năm Chương trình tiên tiến được triển khai ở một số trường ĐH, kết quả bước đầu cho thấy, ngoài kiến thức chuyên môn vững, SV còn tự tin khi bảo vệ khóa luận bằng tiếng Anh trước Hội đồng phản biện là các GS, PGS đầu ngành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vấn đề tuyển sinh đầu vào và kinh phí đào tạo để duy trì mô hình này đang gặp khó khăn...
Nhiều thách thức
Với những điều kiện học tập vượt trội so với chương trình đào tạo thông thường, các chương trình tiên tiến (CTTT) có sức hút hơn hẳn. Nhưng hiện vẫn còn nhiều lý do khiến đầu vào của chương trình chưa được thuận lợi, đó là nhiều thí sinh e ngại chương trình học quá khó, yêu cầu tiếng Anh khắt khe, học phí cao, hoặc đơn giản là do còn ít thí sinh biết thông tin về hệ đào tạo này để đăng ký theo học.
Ông Phạm Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Trong những năm đầu tiên, để trở thành SV của CTTT, các SV đã trúng tuyển vào trường thường phải có điểm thi cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn vào trường. Tuy nhiên, có nhiều SV khi theo học chương trình lại không đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh để học các môn chuyên môn. Thực tế cũng cho thấy mức chênh lệch điểm thi ĐH không phải là yếu tố quyết định kết quả học tập. Bởi vậy, nhà trường đã thay đổi điều kiện dự tuyển vào CTTT: điểm thi chỉ cần bằng điểm chuẩn, song yêu cầu tiếng Anh được nhấn mạnh. Từ năm 2012, SV của trường sau khi học tiếng Anh ở năm học đầu tiên sẽ thi kiểm tra trình độ. Nếu vượt qua bài kiểm tra này SV mới được xét học các môn tiếp theo. SV năm cuối của chương trình phải đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ở mức TOEFL 550 mới được xét tốt nghiệp. Để chất lượng đầu vào phù hợp hơn, từ năm 2010, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng thay đổi quy trình tuyển chọn. Ngoài yêu cầu về điểm thi ĐH và tiếng Anh, SV còn tham gia viết luận, phỏng vấn. Qua đó người tuyển chọn có thể xác định được động cơ, quyết tâm, mục tiêu học tập của các em.
Theo ông Lưu Kim Bôi (Trường ĐH KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội) thì vấn đề tài chính cũng là một rào cản lớn: "các ngành học liên quan đến thực nghiệm như hóa học, sinh học… mới chỉ cải thiện được về lý thuyết, còn thí nghiệm, thực hành... thì vẫn rất lạc hậu so với trường đối tác, chưa có điều kiện để sánh ngang với các nước trong khu vực cũng như thế giới. Đại diện một số trường kỹ thuật cho biết, việc tuyển sinh học CTTT các ngành thuộc khối kỹ thuật hiện khá khó khăn. Số lượng SV thường khoảng 30-45 SV/khóa, thậm chí còn ít hơn, khoảng 20-30 SV/khóa, như ngành Vật lý (ĐH Khoa học - ĐH Huế); ngành Khoa học vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội); ngành Hệ thống năng lượng (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Những ngành này được dự báo sẽ khó thu hút học viên hơn khi không còn tài trợ của Nhà nước. Khi đó, theo ông Trương Chí Hiền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, mức học phí cao khiến cho việc thu hút SV giỏi càng khó khăn do hầu hết các em này đều có khả năng xin học bổng từ nhiều chương trình khác.
Nâng học phí cũng không đủ kinh phí
Theo kế hoạch, Nhà nước chỉ tài trợ cho chương trình của các trường trong giai đoạn 1 với 4 khóa học. Như vậy, từ khóa thứ 5 trở đi SV sẽ phải nộp học phí theo mức cao để bảo đảm chi phí của chương trình.
Để chuẩn bị nguồn lực, bảo đảm các điều kiện duy trì CTTT sau khi hết tài trợ từ Nhà nước, hiện tại, một số trường đã tăng học phí theo từng năm để cân đối nguồn tài chính của chương trình. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trường ĐH Ngoại thương cho biết: do việc cắt giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước nên học phí của các khóa cũng được điều chỉnh tương ứng. Học phí khóa đầu tiên tương đương 4.600 USD, đến khóa thứ 4 đã lên đến 6.400 USD. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, cho rằng để duy trì và lan tỏa CTTT, các trường nên chuyển từ đào tạo mang tính bao cấp sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nếu Nhà nước đầu tư thì người học sau khi tốt nghiệp phải phục vụ theo yêu cầu Nhà nước, nếu doanh nghiệp đặt hàng nhà trường thì doanh nghiệp phải chi trả phí đào tạo. Nếu đào tạo theo nhu cầu của gia đình thì các gia đình phải trả học phí cao. Để bảo đảm cơ hội cho các SV nghèo học giỏi, Nhà nước nên cấp học bổng, đào tạo gắn với sử dụng...
Trong khi đó, theo các trường, hiện CTTT đang ở giai đoạn thu hút SV theo học, việc có giảng viên nước ngoài giảng dạy là rất quan trọng, nhưng chi phí lại lớn, có tăng học phí của SV lên cũng không đủ cân đối tài chính. Thêm vào đó, sau 4 khóa đào tạo (khóa tuyển sinh năm 2006 vừa ra trường năm 2010), các đơn vị sử dụng lao động chỉ vừa bắt đầu biết đến nguồn nhân lực chất lượng cao này nên chưa có nhiều cơ sở để tài trợ, đặt hàng đào tạo...
Sau gần 5 năm triển khai đào tạo CTTT, điều mà các nhà trường nhận thấy rõ nhất là chất lượng được nâng cao rõ rệt so với các chương trình đại trà. Chất lượng đội ngũ giảng viên cả về kỹ năng giảng dạy bằng tiếng Anh cho đến phương pháp giảng dạy, quan hệ với các giáo sư nước ngoài cũng có nhiều thay đổi tích cực. Việc triển khai CTTT cũng là một trong những cách bồi dưỡng giảng viên hiệu quả mà tiết kiệm chi phí. Đó là cử giảng viên tham gia trợ giảng cho các giáo sư nước ngoài, tổ chức các khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa giảng viên trong trường và giáo sư nước ngoài. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, đã đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có quy chế và các hình thức phối hợp giữa các trường đã triển khai CTTT để có thể tiết kiệm chi phí mời giảng viên cũng như chi phí đào tạo giảng viên. Ngoài ra, một số trường cũng mong muốn được Bộ GD-ĐT hỗ trợ kinh phí cho SV của CTTT được học lên trình độ thạc sĩ, đây cũng là cách để thu hút thêm SV tham gia học CTTT cũng như để phát triển chương trình.
Năm 2006, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm 10 CTTT tại 9 trường ĐH trọng điểm (đưa một số chương trình, giáo trình tiên tiến của các trường ĐH uy tín trên thế giới phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam vào giảng dạy). Đến nay, cả nước đã có 23 trường ĐH hợp tác với 22 trường ĐH quốc tế để triển khai thực hiện 35 CTTT, trong đó có 20 chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ; 5 chương trình thuộc khối ngành kinh tế, 6 chương trình thuộc khối khoa học tự nhiên và môi trường... Đối tượng của chương trình là thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi ĐH chính quy hằng năm, được các trường lựa chọn theo tiêu chí điểm đầu vào và khả năng ngoại ngữ, theo quy định của mỗi trường.
|
Quỳnh Phạm
(hanoimoi.com.vn)