Giải quyết bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo TCCN
03/01/2012
Quy định các đại học, học viện, trường đại học không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2/12/2011 do Bộ GD&ĐT ban hành đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ, TCCN. Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD&ĐT nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định này.
PV: Ngày 2 tháng 12 năm 2011 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Tại Thông tư này có quy định các đại học, học viện, trường đại học không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Xin ông cho biết cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn của quy định này?
Ông Nguyễn Văn Áng: Cơ sở pháp lý của quy định này là Luật Giáo dục. Tại điểm b khoản 1 Điều 42 của luật giáo dục đã quy định "Đại học, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học; đào tạo trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ khi được Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép". Như vậy quy định trong Thông tư 57 là để thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục.
Căn cứ thực tiễn của quy định này là tình hình thực tế về đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp hiện nay ở nước ta. Khi xây dựng Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích số liệu thống kê về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, các trường trung cấp chuyên nghiệp hiện nay chỉ đào tạo 40% quy mô trung cấp chuyên nghiệp của cả nước, còn lại 60% do các trường ĐH, CĐ đào tạo. Cơ cấu đó rõ ràng là bất hợp lý.
Về quy mô đào tạo, quy mô bình quân đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp của các trường đại học, cao đẳng khoảng 1.400 học sinh. Trong khi chỉ tiêu đó của chính các trường trung cấp chuyên nghiệp chỉ khoảng gần 1.000 học sinh, trong đó có nhiều trường quy mô đào tạo chỉ 500-600 học sinh. Có thể nói các trường trung cấp chuyên nghiệp hiện nay quá manh mún. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, các trường trung cấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh, và vì vậy, cũng khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên.
Ngoài ra, các trường đại học cũng cần tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chính là đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Hơn nữa, một số trường phải đảm nhận nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.
PV. Khi thực hiện Thông tư này liệu có gây khó khăn cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp khi số lượng trường đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp bị giảm xuống? Liệu rằng các trường trung cấp chuyên nghiệp có thể thu hút hết số thí sinh trung cấp chuyên nghiệp do các trường đại học không được tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Áng: Như trên đã nói, khi xây dựng Thông tư, bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích các số liệu thống kê có liên quan. Theo số liệu thống kê năm 2011, hiện nay quy mô đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp tại các trường đại học khoảng 140.000 học sinh. Điều này cũng có nghĩa là hàng năm các trường đại học tuyển sinh khoảng hơn 70.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên việc không cho các trường đại học đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không đồng nghĩa với việc giao số lượng đó về các trường trung cấp chuyên nghiệp.
Năm 2011 trên phạm vi cả nước có 285 trường trung cấp chuyên nghiệp và khoảng 250 trường cao đẳng. Ngoài các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng vẫn được đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy hệ thống các trường được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hiện có khoảng trên 530 trường.
Trên phương diện lý thuyết, số lượng hơn 70.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp tuyển mới trước đây do các trường đại học thực hiện, nay thị trường tự điều chỉnh phân bổ về các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó bình quân mỗi trường cũng chỉ tăng thêm 132 học sinh. Nói cách khác, quy mô bình quân sẽ tăng khoảng 260 học sinh cho mỗi trường.
Với quy mô bình quân của 01 trường trung cấp chuyên nghiệp hiện nay là gần 1.000 học sinh, thì việc tăng thêm hơn 260 học sinh cho thấy quy mô của các trường trung cấp chuyên nghiệp vẫn còn nhỏ bé.
PV. Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Nguồn: gdtd.vn