Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Rối rắm học phí ĐH - Kỳ 2: Công lập cũng có nhiều mức thu

Nhiều bất hợp lý trong việc thu học phí khiến các trường ĐH công lập được Bộ GD-ĐT cho phép tự chủ tài chính cảm thấy hết sức khó khăn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo cũng như quyền lợi của người học.

 

Khó khăn hơn khi tự chủ

 

Từ năm 2002, một số trường ĐH công lập được Bộ GD-ĐT giao thí điểm tự chủ tài chính. Đây là những trường có nguồn thu sự nghiệp cao nên Bộ giảm chi phí thường xuyên hằng năm cấp cho trường. Nghĩa là, so với các trường công lập khác, những trường này không nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, bất cập là dù bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên, tỷ lệ tuyển sinh sinh viên ngoài chính quy theo một số lượng nhất định (khoảng 70% trên tổng số sinh viên toàn trường) các trường này vẫn không được thu học phí cao hơn trần quy định của Chính phủ. Trong khi đó, các trường công lập tự chủ tài chính nhưng không thuộc Bộ GD-ĐT chủ quản thì được phép định mức học phí riêng, cao hơn quy định.

 

PGS-TS Nguyễn Việt - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Khi thí điểm tự chủ, trường phải tiết kiệm các khoản chi gần như tối đa. Lương giảng viên, tiền hoạt động... đều bị cắt giảm. Tôi cũng không hiểu tại sao các trường thuộc bộ, ngành khác chủ quản được thu mức học phí cao hơn trần, trong khi chúng tôi vẫn phải thu theo quy định”. Cụ thể, tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kinh phí chi thường xuyên được Bộ GD-ĐT cấp hằng năm từ 26 tỉ đồng (trước khi tự chủ tài chính) nay chỉ còn được hơn 4 tỉ đồng. Học phí để bù đắp lượng thiếu hụt này vẫn không đủ vì khá thấp.

 

Ngày 19.3.2011, trường ĐH Mở TP.HCM - cũng là một trường được áp dụng thí điểm tự chủ tài chính - đã phối hợp Văn phòng T.Ư Đảng tổ chức tọa đàm “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục” để tìm hướng ra cho vấn đề này. PGS-TS Lê Bảo Lâm - Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP.HCM, đã cho rằng học phí thấp nên phương tiện giảng dạy, học tập nghèo nàn, từ đây dẫn đến việc chất lượng học tập không thể nâng cao. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một cán bộ của trường nêu thực tế: “Cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay khiến trường phải đối mặt với một hệ quả là sinh viên giỏi không chịu ở lại trường làm giảng viên vì trường không thể trả lương cao”.

 

Cần thay đổi cơ chế

 

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Hồng Quang - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đây là các trường có nguồn thu lớn nên khi cho các trường này thí điểm, Bộ GD-ĐT đã có tính toán. Các trường có thể có các phương án riêng để hoạt động, chẳng hạn như đào tạo chương trình chất lượng cao để thu học phí cao”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các trường này đều có chương trình cử nhân chất lượng cao, chương trình đào tạo đặc biệt (điều kiện học tập tốt, ưu đãi thực tập, việc làm khi ra trường… nhưng thu học phí cao) để tìm thêm nguồn thu cho trường. Nhưng với đặc thù mỗi khóa chỉ một lớp, nguồn thu này tính ra cũng không đáng kể. Vả lại, những trường ĐH công lập không tự chủ tài chính cũng có những chương trình chất lượng cao nên không thể nói đây là hướng đi đặc thù của trường được tự chủ. 

 

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS-TS Bành Tiến Long cho biết: “Trước đây, hiệu trưởng một số trường ĐH công lập tự chủ tài chính tại Hà Nội từng phát biểu rằng nếu được tự chủ định mức học phí ở mức chấp nhận được, họ sẽ không cần đến ngân sách của nhà nước”. Ông Long thừa nhận việc cắt giảm ngân sách trong khi vẫn thu theo mức trần học phí là điều không hợp lý cho lắm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Nếu được tự định mức học phí, các trường này phải đảm bảo được tăng chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng như điều kiện học tập của sinh viên”. Để giải quyết vấn đề này, ông Long nói: “Có lẽ các trường cần có đề án, làm việc lại với các vụ chức năng của Bộ GD-ĐT, để những nơi này tham mưu lại cho lãnh đạo Bộ để có cơ chế thay đổi chuyện này”. 

 

Mức học phí các loại hình trường ĐH

- Các trường ĐH công lập tự chủ tài chính trực thuộc Bộ GD-ĐT: 3,55 - 4,55 triệu đồng/năm.

- Các trường ĐH công lập tự chủ tài chính do Bộ khác chủ quản: 4,4  - 12 triệu đồng/năm.

- Các trường ĐH ngoài công lập: 6  - 69 triệu đồng/năm.

- Các trường ĐH quốc tế: 40  - 150 triệu đồng đồng/năm .

 

Đăng Nguyên

08/10/2011 – thanhnien.com.vn

 

* Rối rắm học phí đại học

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]