Ngành Công nghệ thực phẩm

 

Ngành đào tạo:             CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM

Trình độ đào tạo:         Trung cấp chuyên nghiệp

Đối tượng tuyển sinh:  Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo:        2 năm 

 

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm được thiết kế để đào tạo người học trở thành kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình bao gồm các nội dung về hoá sinh thực phẩm, vi sinh thực phẩm, kỹ thuật phòng thí nghiệm, kỹ thuật thực phẩm, an toàn trong lao động, đảm bảo chất lượng, công nghệ chế biến các loại sản phẩm chủ yếu và những kiến thức bổ trợ như: Tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, pháp luật, chính trị, quốc phòng - an ninh.

Sau khi tốt nghiệp người học được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, người học có khả năng làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm đồng thời có thể học liên thông lên bậc cao đẳng hoặc đại học.

 

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:

1. Về kiến thức

- Giải thích được sự biến đổi của nguyên liệu và thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;

- Phân tích được mối quan hệ của các công đoạn trong quy trình công nghệ và phương pháp tiến hành các quá trình công nghệ cơ bản trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm;

- Phân tích và tìm ra được nguyên nhân và biện pháp xử lý các sự cố thường gặp trong quá trình chế biến, bảo quản, kiểm tra chất lượng thực phẩm;

- Lựa chọn được các phương pháp kiểm tra và bảo đảm chất lượng thực phẩm, các phương pháp bảo đảm vệ sinh-an toàn thực phẩm.

- Có kiến thức cơ bản về luật pháp để tiếp thu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và tìm hiểu tốt hơn luật pháp có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp. Ngoài ra có các kiến thức bổ trợ nhất định về: ngoại ngữ, tin học, khoa học xã hội để có khả năng tiếp tục tự học tập, nâng cao trình độ.

2. Về kỹ năng

- Thực hiện được các thao tác trong việc phân loại, lựa chọn nguyên liệu, các giai đoạn công nghệ trong quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và an toàn lao động;

- Phân tích được các chỉ tiêu chất lượng cơ bản của thực phẩm và lập được báo cáo chất lượng thực phẩm;

- Phát hiện và xử lý được một số sự cố thường gặp trong quá trình chế biến, bảo quản và kiểm tra chất lượng thực phẩm;

- Thực hiện công việc đúng theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

3. Về thái độ

Có phẩm chất đạo đức, có sức khoẻ, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, tỷ mỷ chính xác, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm.

 

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức và kỹ năng của chương trình đào tạo

TT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

24

3

Các học phần chuyên môn

32

4

Thực tập nghề nghiệp

12

5

Thực tập tốt nghiệp

5

Tổng khối lượng chương trình

95

 

2. Các học phần của chương trình

A

Các học phần chung

I

Các học phần bắt buộc

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

4

Tin học

2

Chính trị

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục thể chất

6

Pháp luật

II

Các học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Sản xuất sạch hơn

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

B

Các học phần cơ sở 

1

Nhập môn Công nghệ thực phẩm

6

Kỹ thuật an toàn lao động

2

Vẽ kỹ thuật

7

Công nghệ xử lí môi trường

3

Kỹ thuật thực phẩm

8

Kỹ thuật phòng thí nghiệm

4

Hoá sinh thực phẩm

9

Ngoại ngữ chuyên ngành

5

Vi sinh thực phẩm

 

 

C

Các học phần chuyên môn

I

Các học phần bắt buộc

1

Quản lý chất lượng thực phẩm

6

Bao bì  và kỹ thuật bao gói thực phẩm

2

Dinh dưỡng học

7

 Công nghệ sau thu hoạch

3

Phân tích thực phẩm

8

Đánh giá cảm quan

4

Vệ sinh an toàn thực phẩm

9

 Công nghệ lạnh

5

Phụ gia thực phẩm

 

 

II

Học phần tự chọn (chọn 4 trong 11 học phần)

1

Công nghệ chế biến rau quả

7

Công nghệ chế biến thuỷ sản

2

Công nghệ sản xuất chất béo và dầu thực vật

8

Công nghệ chế biến thịt

3

Công nghệ chế biến chè, cà phê, ca cao

9

Công nghệ chế biến sữa

4

Công nghệ chế biến và bảo quản lương thực

10

Công nghệ sản xuất đường và bánh kẹo

5

Công nghệ các sản phẩm truyền thống

11

Công nghệ sản xuất rượu, bia, nước giải khát

6

Công nghệ thực phẩm ăn nhanh

 

 

D

Thực tập nghề nghiệp

E

Thực tập tốt nghiệp

 

IV. Nội dung thi tốt nghiệp

TT

Nội dung

1

Chính trị

-Học phần chính trị

2

Lý thuyết tổng hợp (gồm các nội dung)

- Dinh dưỡng học

- Vệ sinh an toàn thực phẩm

- Kỹ thuật thực phẩm

- Hoá sinh, vi sinh được vận dụng trong công nghệ chế biến sản phẩm

3

Thực hành nghề nghiệp (gồm các nội dung)

- Phân tích các chỉ tiêu hoá học-hoá sinh, vi sinh và cảm quan trên sản phẩm cụ thể.

- Thực hiện toàn bộ hay một phần qui trình chế biến một sản phẩm cụ thể.

 

V. Mô tả nội dung các học phần (Học phần cơ sở và học phần chuyên môn)

Nhập môn Công nghệ thực phẩm

Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức về nguồn gốc, bản chất các nguyên liệu nông sản, thuỷ sản, các bán chế phẩm và sản phẩm thực phẩm; giới thiệu về quy trình công nghệ trong khai thác, chế biến, bảo quản thực phẩm; các đặc điểm công nghệ của thực phẩm có giá trị gia tăng cao, thực phẩm đặc sản của nuớc ta và trên thế giới. Nội dung môn học cũng bao gồm phần tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối và dịch vụ thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học có thể hiểu và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, từ đó hình thành ý thức và tinh thần  học tập có mục đích.

Vẽ kỹ thuật

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về vẽ kỹ thuật bao gồm các khái niệm về bản vẽ, lý luận phép chiếu, cách sử dụng hình chiếu trục đo để biểu diễn vật thể, các nguyên tắc biểu diễn vật thể trên mặt phẳng, khái niệm hình cắt và mặt cắt, những tiêu chuẩn và qui ước có liên quan đến bản vẽ chi tiết máy, bản vẽ lắp theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng trình bày một bản vẽ máy - thiết bị hoặc những bản vẽ sơ đồ kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam; phác thảo được  cách vẽ và trình bày được cách đọc các bản vẽ kỹ thuật.

Kỹ thuật thực phẩm

Học phần trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về các quá trình và thiết bị trong công nghệ thực phẩm bao gồm các quá trình thủy lực được mô tả bởi tĩnh học và động lực học chất lỏng, các quá trình vận chuyển chất lỏng, khí (bơm, quạt, máy nén), quá trình khuấy trộn chất lỏng; các quá trình trao đổi nhiệt như dẫn nhiệt, đối lưu nhiệt, bức xạ nhiệt; các quá trình truyền vận vật chất từ nơi này đến nơi khác như hấp thụ, hấp phụ, chưng cất; cách phân loại, đặc tính cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của các thiết bị đặc trưng được ứng dụng trong ngành công nghệ thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng mô tả đặc tính của các quá trình công nghệ thực phẩm; trình bày được cấu tạo, nguyên tắc hoạt động, ưu nhược điểm của một số thiết bị chính, điển hình cho các quá trình; biết cách vận hành thiết bị khi được chỉ dẫn, từ đó biết cách lập luận, triển khai cho những ứng dụng hết sức phổ biến của quá trình và thiết bị trong sản xuất – chế biến thực phẩm.

Hóa sinh thực phẩm

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bản chất, cấu tạo hóa học, tính chất và ứng dụng của protein, glucid, lipid, enzyme, vitamin, sắc tố, chất thơm và khả năng chuyển hóa của protein, glucid, lipid có trong sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được bản chất, cấu tạo hóa học, tính chất và ứng dụng của protein, glucid, lipid, enzyme có trong sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật; phân tích được sự chuyển hóa protein, glucid, lipid trong cơ thể sống và quá trình gia công chế biến; phân loại và nêu được tác dụng của vitamin; giải thích được sự liên quan giữa vitamin và enzyme; nêu được ý nghĩa của các chất màu, chất thơm; phân tích được cách hình thành một số chất màu  trong quá trình chế biến thực phẩm.

Vi sinh thực phẩm

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm hình thái, cấu tạo, sinh sản, dinh dưỡng và sinh trưởng của vi sinh vật; các quá trình chuyển hóa nhờ vi sinh vật trong tự nhiên và trong sản xuất công nghiệp; các phương pháp phân lập, định lượng và bảo quản giống vi sinh vật trong sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ vi sinh vật.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được đặc điểm hình thái, cấu tạo, sinh sản và dinh dưỡng của vi sinh vật, sự sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật, các phương pháp phân lập, tuyển chọn giống vi sinh vật; phân tích được vai trò của vi sinh vật trong các chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên; tóm tắt được cơ chế hóa học của một số quá trình chuyển hóa nhờ vi sinh vật trong tự nhiên và trong sản xuất công nghiệp, chẳng hạn như: quá trình lên men, quá trình amôn hóa; phân tích được khả năng ứng dụng của vi sinh vật trong sản xuất công nghiệp và trong đời sống.

Kỹ thuật an toàn lao động

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bảo hộ lao động, những vấn đề chung về kỹ thuật vệ sinh lao động, ảnh hưởng của các yếu tố như tiếng ồn, rung động, bụi, vi khí hậu đối với người lao động; các biện pháp đảm bảo an toàn điện, an toàn hóa chất, an toàn đối với các thiết bị áp lực và kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được những khái niệm chung về khoa học bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, an toàn điện, an toàn hóa chất; phân tích được ảnh hưởng của các yếu tố vi khí hậu, tiếng ồn, rung động, bụi, phóng xạ đến sức khỏe lao động trong quá trình sản xuất, đồng thời nêu được các biện pháp phòng chống các yếu tố đó; xác định được các nguyên nhân gây ra và biện pháp phòng ngừa các sự cố về cháy nổ, các sự cố của thiết bị áp lực và sự cố về an toàn điện, an toàn hóa chất.

Công nghệ xử lý môi trường

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về sự ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm gây nên; các biện pháp làm giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường; nguyên lý các quá trình xử lý chất thải rắn và nước thải của nhà máy chế biến thực phẩm; nguyên lý cấu tạo và hoạt động của hệ thống xử lý nước thải chế biến thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng áp dụng các biện pháp làm giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường trong chế biến thực phẩm, vận hành được hệ thống xử lý nước thải chế biến thực phẩm.

Kỹ thuật phòng thí nghiệm

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về yêu cầu xây dựng, nhân lực, trang bị đối với một phòng thí nghiệm; cách sắp xếp thiết bị, dụng cụ, hóa chất và cách sử dụng những trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất cơ bản trong phòng thí nghiệm; cách tổ chức quản lý phòng thí nghiệm.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những yêu cầu đối với một phòng kiểm nghiệm, cách bố trí sắp xếp hợp lý và tổ chức quản lý một phòng thí nghiệm; bố trí sắp xếp thiết bị, dụng cụ, hóa chất hợp lý trong phòng thí nghiệm; tổ chức quản lý được phòng thi nghiệm; có tinh thần học tập nghiêm túc, cẩn thận, bảo đảm an toàn trong phòng thí nghiệm.

Ngoại ngữ chuyên ngành

Học phần này cung cấp cho người học các bài khoá chọn lọc liên quan đến các kiến thức như: Protein, lipid, glucid, protein, các khái niệm cơ bản của quá trình truyền nhiệt, trích ly để chuẩn hoá các thuật ngữ ngoại ngữ về chuyên ngành Công nghệ thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng đọc, hiểu và dịch được một số tài liệu cơ bản liên quan đến công nghệ thực phẩm.

Quản lý chất lượng thực phẩm

Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về chất lượng, chất lượng thực phẩm và hoạt động quản lý chất lượng thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các khái niệm cơ bản về chất lượng và quản lý chất lượng; giải thích được các nguyên tắc và các mô hình quản lý chất lượng; trình bày được các yêu cầu luật định cơ bản về quản lý chất lượng, công bố chất lượng thực phẩm và trình bày được các ý chính, sự tương đồng và khác biệt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế có thể áp dụng cho ngành thực phẩm như ISO 9001, HACCP, ISO 22000.

Dinh dưỡng học

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về mối quan hệ hữu cơ giữa thực phẩm, tình trạng dinh dưỡng, cơ sở hoá sinh học dinh dưỡng và nhu cầu các chất dinh dưỡng; các hệ thống đánh giá giá trị dinh dưỡng của thức ăn; xác định nhu cầu dinh dưỡng cộng đồng.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các chất dinh dưỡng cơ bản có trong thực phẩm, nhu cầu dinh dưỡng của con người theo lứa tuổi, theo giới tính, theo tình trạng sức khoẻ và các phương pháp cơ bản để bảo tồn giá trị dinh dưỡng của các chất đã có trong thực phẩm.

Phân tích thực phẩm

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản về phương pháp lấy mẫu, các phương pháp phân tích thành phần hoá học, tính chất cơ lý, vi sinh vật trong thực phẩm; cách xác định các chỉ tiêu và đánh giá chất lượng của một số sản phẩm thực phẩm theo các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng mô tả được phương pháp lấy mẫu, các khái niệm, nguyên tắc, quy trình phân tích và phương pháp phân tích các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh của thực phẩm; nêu được cách xử lý kết quả phân tích các chỉ tiêu lý hoá, vi sinh của thực phẩm; phân tích được các chỉ tiêu chất lượng cơ bản và đánh giá chất lượng một số sản phẩm thực phẩm theo các tiêu chuẩn qui định.

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về vệ sinh và an toàn thực phẩm, các yêu cầu luật định cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các khái niệm cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm và quan hệ giữa chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; trình bày được các mối nguy chính có thể xuất hiện trong dây chuyền thực phẩm nói chung và trong quy trình sản xuất của một số nhóm sản phẩm chính; trình bày được các yêu cầu luật định cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm và các điều kiện tiên quyết về cơ sở hạ tầng, vệ sinh của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giải thích được các nguyên tắc HACCP và có thể áp dụng các nguyên tắc HACCP cho một sản phẩm/ nhóm sản phẩm cụ thể.

Phụ gia thực phẩm

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các loại chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến nông sản thực phẩm; các phương pháp sử dụng các chất phụ gia trong quá trình chế biến, bảo quản và lưu thông các sản phẩm thực phẩm trên thị trường; khả năng gây độc hại của chất phụ gia thực phẩm, các chất trợ giúp thường xuyên được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các nhóm chất phụ gia đang được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, một số tính chất cơ bản của những chất phụ gia đã học và cách sử dụng hợp lý các chất phụ gia này để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bao bì và kỹ thuật bao gói thực phẩm

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về chức năng của bao bì, các loại chất liệu để làm bao bì; các phương pháp chế tạo bao bì, công nghệ đóng gói thực phẩm và sự biến đổi chất lượng thực phẩm khi chứa trong bao bì.

            Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những tính chất của bao bì; cách lựa chọn bao bì phù hợp với sản phẩm thực phẩm, cách đóng gói thực phẩm và những hư hỏng của thực phẩm khi bảo quản trong bao bì.

Công nghệ sau thu hoạch

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về thành phần, tính chất cơ bản của nguyên liệu thực phẩm, những biến đổi của nguyên liệu sau khi thu hoạch, công nghệ thu mua, vận chuyển, bảo quản nguyên liệu.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng xác định được những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu, áp dụng được những biện pháp đảm bảo chất lượng cho nguyên liệu trong quá trình thu mua, vận chuyển, bảo quản nguyên liệu.

Đánh giá cảm quan

Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về khái niệm cảm quan, ứng dụng của phương pháp đánh giá cảm quan tại các công ty, xí nghiệp sản xuất thực phẩm. Ngoài ra học phần còn bao gồm các kiến thức về kỹ thuật thử nếm, các nhóm phép thử phân biệt, mô tả và điều tra thị hiếu.

Sau khi học xong phần này, người học có khả năng tổ chức một buổi thử cảm quan bao gồm: Lựa chọn phép thử theo yêu cầu khách hàng, mời cảm quan viên phù hợp, chuẩn bị mẫu thử, hướng dẫn kỹ thuật thử và thu thập, thống kê và xử lí số liệu.

Công nghệ lạnh

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các khái niệm cơ bản trong chế biến thực phẩm đông lạnh, những biến đổi của thực phẩm trong các quá trình làm lạnh, bảo quản lạnh, làm đông, bảo quản đông, thời gian và phương pháp thực hiện các quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm đông lạnh, công nghệ sản xuất một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thực hiện quá trình sản xuất trong điều kiện thí nghiệm một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh.

Công nghệ chế biến rau quả

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, thành phần, đặc điểm, cách lựa chọn, phân loại và bảo quản nguyên liệu rau quả, ảnh hưởng của nguyên liệu đến quá trình chế biến; qui trình công nghệ, các yếu tố ảnh hưởng và các thông số kỹ thuật cần thiết để chế biến các sản phẩm từ rau quả như: Chế biến đồ hộp rau quả, sấy và muối chua rau quả, lạnh đông rau quả.

Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được cấu tạo, thành phần hóa học, đặc tính và ành hưởng của nguyên liệu rau quả đến quá trình chế biến; phân tích được cơ sở lý thuyết, các yêu cầu công nghệ, các yếu tố ảnh hưởng đến từng công đoạn trong quá trình chế biến các sản phẩm từ rau quả.

Công nghệ sản xuất chất béo và dầu thực vật

Học phần này cung cấp cho người học các khái niệm về chất béo và dầu thực vật; các đặc điểm, tính chất, biến đổi của nguyên liệu thực vật có dầu; các quy trình khai thác và chế biến dầu mỡ động thực vật trong thực tế sản xuất, các phương pháp theo dõi và kiểm soát việc thực hiện các chỉ tiêu trong quá trình sản xuất và cách đánh giá chất lượng sản phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các phương pháp và kỹ thuật sản xuất - chế biến dầu mỡ động thực vật; hệ thống  được các quá trình cơ bản từ khai thác đến chế biến các sản phẩm cụ thể trong thực tế sản xuất; thực hiện được quá trình sản xuất thử nghiệm một số loại dầu thực vật và một số sản phẩm chế biến từ dầu mỡ.

Công nghệ chế biến chè, cà phê, ca cao

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về hoá sinh chè và công nghệ chế biến các sản phẩm chè; hoá sinh cà phê và công nghệ chế biến cà phê nhân và các sản phẩm tiêu dùng từ cà phê; hoá sinh ca cao và công nghệ chế biến từ ca cao và các sản phẩm tiêu dùng từ ca cao.

Học xong học phần này, người học trình bày được thành phần hoá hoc cơ bản của chè, cà phê, ca cao; những biến đổi tính chất hoá học và lý học của nguyên liệu trong quá trình chế biến; các quá trình công nghệ chế biến chè, cà phê, ca cao và công nghệ sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ những loại nguyên liệu này.

Công nghệ chế biến và bảo quản lương thực

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bảo quản và chế biến lương thực, một số phương pháp bảo quản phổ biến và một số quy trình kỹ thuật sản xuất gạo, bột mỳ, mỳ sợi, thức ăn chăn nuôi.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các phương pháp phổ biến dùng để bảo quản lương thực, một số biến đổi hoá học của ngũ cốc trong quá trình bảo quản, những nguyên nhân hư hỏng lương thực trong quá trình bảo quản và công nghệ xay xát gạo, ngô, sản xuất bột mỳ, chế biến sắn, sản xuất tinh bột, mỳ ăn liền và thức ăn chăn nuôi.

Công nghệ các sản phẩm truyền thống

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về sản phẩm thực phẩm truyền thống, vị trí và xu hướng phát triển sản xuất thực phẩm truyền thống phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; yêu cầu về nguyên liệu để sản xuất sản phẩm thực phẩm truyền thống; công nghệ sản xuất sản phẩm thực phẩm lên men, sản phẩm khô, sản phẩm ướp muối, sản phẩm xông khói; chế biến món ăn chay, món ăn mặn thông thường; kỹ thuật bao gói, bảo quản sản phẩm thực phẩm truyền thống.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng lựa chọn được nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm thực phẩm truyền thống; xác định được quá trình cơ bản để chế biến nguyên liệu nhằm tạo ra sản phẩm thực phẩm truyền thống theo yêu cầu; thực hiện được các thao tác cơ bản và đảm bảo các các điều kiện, thông số kỹ thuật của từng công đoạn trong quy trình công nghệ chế biến sản phẩm thực phẩm lên men, sản phẩm khô, sản phẩm ướp muối, sản phẩm xông khói, chế biến món ăn chay, món ăn mặn thông thường; lựa chọn được vật liệu và phương pháp thích hợp để bao gói, bảo quản sản phẩm thực phẩm truyền thống; nhận biết được và đưa ra được giải pháp khắc phục đối với một số sự cố thường xảy ra trong quá trình sản xuất thực phẩm truyền thống.

Công nghệ thực phẩm ăn nhanh

Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về thực phẩm ăn nhanh bao gồm các khái niệm, vai trò của thực phẩm ăn nhanh trong đời sống hiện đại và công nghệ sản xuất thực phẩm ăn nhanh.

Học xong học phần này, người học trình bày được các khái niệm về thực phẩm ăn nhanh, thuyết minh được một số dây chuyền công nghệ sản xuất thực phẩm ăn nhanh, xác định được cách đánh giá chất lượng thức ăn nhanh.

Công nghệ chế biến thủy sản

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về đặc điểm cơ bản của nguyên liệu thuỷ sản, biến đổi của nguyên liệu thuỷ sản sau khi chết và các phương  pháp bảo quản nguyên liệu thuỷ sản; các quá trình cơ bản trong chế biến thuỷ sản; công nghệ sản xuất sản phẩm thuỷ sản khô, ướp muối, sản phẩm ăn liền, đồ hộp, nước mắm;  chế biến rong biển.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng nhận biết, phân loại được nguyên liệu thủy sản, áp dụng công nghệ thích hợp để bảo quản nguyên liệu thuỷ sản tươi; xác định được hướng và quá trình cơ bản để chế biến nguyên liệu thuỷ sản nhằm tạo ra sản phẩm theo yêu cầu; thực hiện được các thao tác cơ bản và đảm bảo các các điều kiện, thông số kỹ thuật của từng công đoạn trong quy trình công nghệ chế biến sản phẩm thuỷ sản khô, ướp muối, sản phẩm ăn liền, đồ hộp, nước mắm, sản phẩm từ rong biển; nhận biết được và đưa ra được giải pháp khắc phục đối với một số sự cố thường xảy ra trong quá trình bảo quản nguyên liệu và sản xuất sản phẩm thuỷ sản.

Công nghệ chế biến thịt

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về thành phần hóa học, cách lựa chọn và sự biến đổi của thịt gia súc, gia cầm sau khi chết, qui trình công nghệ, các điều kiện kỹ thuật, yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chế biến các sản phẩm từ thịt.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được những đặc trưng cơ bản của nguyên liệu thịt và ảnh hưởng của nguyên liệu đến chất lượng sản phẩm; phân tích được các điều kiện kỹ thuật của từng công đoạn trong quá trình chế biến; giải thích được những nguyên nhân và đưa ra được giải pháp khắc phục đối với một số sự cố thường xảy ra trong chế biến.

Công nghệ chế biến sữa

Học phần cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về nguyên liệu sữa (thành phần, tính chất, hệ vi sinh vật trong sữa và những điều cần lưu ý khi thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và kiểm tra chất lượng sữa trước khi chế biến); Các quá trình cơ bản trong công nghệ chế biến sữa (ly tâm, đồng hóa, phân riêng bằng membrane, thanh trùng, tiệt trùng, bài khí, cô đặc, sấy, đông tụ casein, nhân giống vi sinh vật, lên men); công nghệ sản xuất một số sản phẩm tiêu biểu từ sữa như: Sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc, sữa bột, sữa lên men, phomai, bơ, kem.

Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được đặc điểm, thành phần hóa học, cấu trúc của sữa và hệ vi sinh vật có trong sữa, cách xử lý, bảo quản và chuẩn hóa sữa nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến; giải thích được các quá trình cơ bản trong công nghệ chế biến sữa như quá trình vật lý, quá trình hóa lý và quá trình sinh học; nêu được nguyên tắc chế biến các sản phẩm từ sữa, yêu cầu công nghệ, thông số kỹ thuật và các yếu tố ảnh hưởng đến từng công đoạn trong qui trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm tiêu biểu từ sữa như: Sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc, sữa bột, sữa lên men, phomai, bơ, kem.

Công nghệ sản xuất đường và bánh kẹo

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm, tính chất, những biến đổi của nguyên liệu trong sản xuất đường và bánh kẹo; các phương pháp sản xuất đường và bánh kẹo; các quy trình công nghệ và thiết bị dùng trong sản xuất và tinh luyện đường, công nghệ sản xuất một số loại bánh, kẹo.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thực hiện các quá trình công nghệ trên dây chuyền sản xuất đường và bánh kẹo; trình bày được cấu tạo và nguyên lý làm việc của các thiết bị chính, có khả năng theo dõi và kiểm soát việc thực hiện các chỉ tiêu quá trình thông qua việc phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm và bán chế phẩm; thực hiện được quá trình sản xuất thử nghiệm đường và một số mặt hàng bánh, kẹo.

Công nghệ sản xuất rượu, bia, nước giải khát

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về nguyên liệu, yêu cầu chất lượng của nguyên liệu, yêu cầu của nấm men, cách nhân giống và nuôi cấy nấm men trong sản xuất rượu bia; qui trình công nghệ, các thông số kỹ thuật và một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình công nghệ trong các qui trình sản xuất rượu bia.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được yêu cầu nguyên liệu và cách chuẩn bị nguyên liệu phù hợp với sản xuất; giải thích được cơ sở lý thuyết và những điều kiện kỹ thuật của các của các quá trình công nghệ trong qui trình sản xuất rượu bia.

Thực tập nghề nghiệp

Thực tập cơ bản gồm nhóm các học phần thực hành kỹ năng nghề nghiệp, cung cấp cho người học những kĩ năng chủ yếu về cách chế biến, bảo quản, kiểm tra chất lượng của một số sản phẩm thực phẩm đặc trưng, phổ biến (rau quả, bia, rượu, nước giải khát, thịt, thủy sản, bánh kẹo).

Sau khi học xong phần này, người học có khả năng thực hiện được việc chế biến, bảo quản, kiểm tra chất lượng của một số sản phẩm thực phẩm đặc trưng, phổ biến theo đúng qui trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động.

Thực tập tốt nghiệp

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong thực tế sản xuất thông qua việc tìm hiểu, tiếp cận, thao tác trên một dây chuyền sản xuất cụ thể dưới sự kèm cặp của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân nhà máy cùng với sự hướng dẫn của giáo viên chuyên môn.

Sau khi học xong  học phần này, người học có khả năng tiếp cận với thực tế sản xuất; tự tìm hiểu phương pháp và kỹ thuật thực hiện các quá trình công nghệ trên một dây chuyền sản xuất cụ thể; vận dụng toàn bộ kiến thức đã học vào thực tế sản xuất để lý giải và khắc phục sự cố; vận hành được một số thiết bị chính; đúc kết toàn bộ kiến thức đã thu thập trong thực tế thành một bản báo cáo cụ thể.

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]